Đầu tư năm 2024: Cần phòng ngự chặt, phản công nhanh
Với những tín hiệu vĩ mô tích cực, nhà đầu tư trên thị trường tài chính kỳ vọng vào một năm 2024 khởi sắc. Tuy nhiên, trong một giai đoạn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, xây dựng một danh mục đầu tư vững vàng là cách để bảo vệ thành quả có được trước đó.
Ảnh: LV
|
Hứng khởi trong thận trọng
Nhà đầu tư bước vào năm 2024 với sự hứng khởi khi các tín hiệu về kinh tế vĩ mô có phần lạc quan hơn trước. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu có sự đảo chiều về chính sách tiền tệ. Trung Quốc, Nhật Bản vẫn tiếp tục với chính sách thúc đẩy kinh tế. Trong nước, sau năm 2023 giữ vững các cân đối vĩ mô, thị trường kỳ vọng hơn vào một năm mà các yếu tố bên ngoài bớt tiêu cực.
Chia sẻ tại chương trình thảo luận “Đầu tư gì năm 2024?” do Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) phối hợp kênh Tài chính và Kinh doanh tổ chức, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, cho rằng bất chấp những lạc quan về chính sách, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những biến số rủi ro phi thị trường mà nhà đầu tư không thể kiểm soát được. Năm 2024, một loạt quốc gia/vùng lãnh thổ có sức ảnh hưởng quan trọng đến tình hình địa chính trị diễn ra bầu cử và hai cuộc xung đột quân sự đang diễn ra là ẩn số đối với thế giới.
Đồng quan điểm, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), cho rằng “vui thôi đừng vui quá” trước các tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô. Thế giới đang ở trong giai đoạn có nhiều yếu tố bất định, vì vậy, nhà đầu tư cần nhìn nhận cẩn trọng và kéo ngắn khoảng thời gian quan sát các yếu tố vĩ mô.
Ông Tuấn cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng bảo vệ thành quả đã đạt được trong năm 2023 bằng cách xây dựng danh mục đầu tư vững chắc, khi có cơ hội sẽ “phản công nhanh” để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì quá lạc quan vào triển vọng kinh tế. Công cụ được ông Tuấn khuyến nghị là xây dựng lớp tài sản với những nhóm tài sản tài chính mang tính chất phòng thủ và tăng trưởng khác nhau. Trước những biến số, nhà đầu tư có sự chuyển dịch hợp lý để đạt hiệu suất đầu tư lớn nhất mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn phòng ngự cho danh mục trong năm 2024.
Triển vọng các lớp tài sản tài chính
Bốn nhóm tài sản tài chính gồm tiền gửi, vàng, trái phiếu và cổ phiếu có những triển vọng tăng trưởng khác nhau trong năm 2024.
Tiền gửi ổn định ở vùng lãi suất thấp
Theo ông Tuấn, lãi suất huy động khó có thể giảm sâu hơn nữa mà sẽ tạo đáy trong năm 2024. Trước khi có sự phục hồi của nhu cầu tín dụng và thị trường bất động sản ấm dần lên, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn duy trì nền thấp xuyên suốt năm 2024. Như vậy, lãi suất tiền gửi sẽ tạo đáy trong năm 2024 và vẫn duy trì nền thấp.
Tương tự, ông Trần Ngọc Báu, người sáng lập kiêm CEO tại WiGroup, cũng cho rằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp tương tự năm vừa qua và khó có khả năng giảm sâu hơn.
Vàng vẫn lấp lánh
Theo ông Tuấn, vàng sẽ tiếp tục là tài sản phòng thủ chiến lược trong năm 2024. Đây là năm sẽ có nhiều biến động và rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự bất định giữa suy thoái và không suy thoái. Vàng trong nước sẽ được hưởng lợi bởi xu hướng chung của thế giới và vẫn “lấp lánh” tăng trưởng trong năm nay. Thêm nữa, trong năm vừa qua, các ngân hàng trung ương cơ cấu lại bảng cân đối và mua vào lượng lớn vàng. Đây cũng là một tín hiệu cho thị trường.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý ở Việt Nam có hai loại vàng vật chất là vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Vàng nhẫn tiệm cận hơn với giá vàng thế giới, trong khi đó, vàng miếng có mức giá chênh lệch lớn và dễ dàng chịu tác động bởi các yếu tố chính sách trong việc nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, kiểm soát cung – cầu của Chính phủ.
“Vàng là tài sản phòng thủ, có nghĩa là nó không đứng độc lập. Khi những tài sản khác như cổ phiếu, thậm chí trái phiếu có mức lợi tức giảm, vàng là công cụ cung cấp cơ hội để nhà đầu tư cấu trúc lại danh mục của mình”, ông Tuấn nói.
Cổ phiếu hưởng lợi nhưng cần tập trung vào thực chất
Thị trường cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ những cân đối vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ lãi suất rẻ cả thị trường cổ phiếu được hưởng lợi, năm 2024, thị trường sẽ phân hóa tập trung vào những doanh nghiệp có lợi nhuận, tạo ra giá trị thực.
Nên xây dựng lớp tài sản với những nhóm tài sản tài chính mang tính chất phòng thủ và tăng trưởng khác nhau. Trước những biến số, nhà đầu tư có sự chuyển dịch hợp lý để đạt hiệu suất đầu tư lớn nhất mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn phòng ngự cho danh mục.
|
Năm 2024, theo ông Báu, nhóm ngành xây dựng, dệt may, công nghệ và năng lượng được hưởng lợi, trong khi đó, ngành bất động sản và ngân hàng sẽ gặp bất lợi.
Quỹ trái phiếu là lựa chọn an toàn
Khi nhắc đến trái phiếu, phần nhiều nhà đầu tư e ngại bởi những diễn biến xấu trên thị trường trái phiếu riêng lẻ thời gian qua. Thực chất, theo ông Tuấn, trái phiếu là một lớp tài sản phòng thủ quan trọng. Các quỹ trái phiếu trong năm 2023 đều có sự tăng trưởng tốt, nhiều quỹ đạt lợi nhuận đến hai con số, mức lợi tức lớn hơn rất nhiều so với tiền gửi tiết kiệm neo quanh mức 6%.
Trong nền lãi suất thấp, đầu tư vào các chứng chỉ quỹ mở về trái phiếu cũng sẽ là một cách phòng ngự tốt, theo ông Tuấn. Theo quy định, tại các quỹ mở, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ chiếm 10% danh mục và nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc kinh doanh tiền mặt và trái phiếu chính phủ của các quỹ này.
Ông Tuấn cho biết, AFA Capital gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tất cả các danh mục đầu tư quí 1-2024, ở hầu hết các nhóm hồ sơ theo khẩu vị rủi ro khác nhau. Năm 2024, hai lớp tài sản mang tính chất phòng ngự và phòng ngự chặt như vàng và trái phiếu đều sẽ có sự tăng trưởng. Dù vậy, AFA Capital vẫn duy trì một lượng tiền gửi để khi cơ hội đến, nhà đầu tư có thể phân bổ về lớp tài sản phản công.
Tâm Phạm
TBKTSG
|