Đằng sau giao dịch mua cổ phiếu “khủng” của những doanh nghiệp chỉ vài ngày tuổi
Gần đây thị trường chứng khoán nổi lên một số doanh nghiệp có tuổi đời rất non trẻ nhưng lại mạnh chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng giao dịch lượng lớn cổ phiếu. Đằng sau những doanh nghiệp này có gì mà tiềm lực vốn mạnh như vậy?
Hai công ty chưa đầy một tuần tuổi lần lượt trở thành cổ đông lớn tại OGC
Ngày 29/12/2023, CTCP Thương mại Phát triển nhà và đô thị Việt Nam thông báo đã sở hữu hơn 51.7 triệu cp OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương, tương ứng tỷ lệ 17.24%. Qua đó, chính thức trở thành cổ đông lớn tại OGC từ vị thế không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào trước đó.
Xét theo diễn biến giao dịch tại ngày 29/12, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu OGC chỉ hơn 4.5 triệu cp (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận). Như vậy, giao dịch này không hoàn toàn đến từ hành động mua khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn, mà có thể đến từ giao dịch hoán đổi. Tạm tính theo thị giá kết phiên 29/12 là 7,050 đồng/cp, lượng cổ phần này ước tính có giá trị khoảng 365 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công ty này chỉ vừa được thành lập ngày 25/12/2023, trước thời điểm giao dịch nói trên 4 ngày, có người đại diện pháp luật là ông Phan Thành Long. Công ty có vốn điều lệ 367 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập gồm ông Vương Xuân Dũng sở hữu 27.89%, bà Dương Thị Khánh Phượng sở hữu 26.56%, bà Nguyễn Thị Thủy sở hữu 26.21% và ông Trương Thanh Phương sở hữu 19.34%.
* Thêm doanh nghiệp vài ngày tuổi nắm hàng chục triệu cp OGC
Trước đó không lâu, ngày 08/12, CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt trở thành cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Đại Dương sau khi mua hơn 27 triệu cp OGC, tương ứng tỷ lệ 9.02%. Trước đó, doanh nghiệp không sở hữu cp OGC.
Diễn biến ngày 08/12 cho thấy, chỉ có giao dịch khớp lệnh của 596.9 ngàn cp OGC, giao dịch thỏa thuận không phát sinh. Như vậy, việc Sông Hồng Bắc Việt bất ngờ nắm 27 triệu cp OGC có thể từ thực hiện hoán đổi. Tạm tính theo thị giá kết phiên 08/12, lượng cổ phần này ước tính khoảng 197 tỷ đồng.
Đáng nói, Sông Hồng Bắc Việt chỉ mới thành lập ngày 01/12/2023, vốn điều lệ hơn 189 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Đức Tâm sở hữu 47.7%, ông Lê Thanh Hải sở hữu 46.46%, bà Đặng Thị Thủy 5.84%. Doanh nghiệp mới hơn tuần tuổi này do bà Đinh Thị Nhi (sinh năm 1994) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
* Doanh nghiệp 7 ngày tuổi có Tổng Giám đốc sinh năm 1994 thành cổ đông lớn tại OGC
Bất động sản Dragon, 2 tuần tuổi, vốn ngàn tỷ đồng, chi gần 500 tỷ đồng mua cổ phiếu TPB
Ngày 06/12, CTCP Phát triển Bất động sản Dragon đã mua vào hơn 27.6 triệu cp TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), nâng sở hữu từ 0% lên 1.25%. Xét theo giá đóng cửa 17,450 đồng/cp tại ngày phát sinh giao dịch, ước tính Bất động sản Dragon đã chi ra gần 482 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Công ty này cũng cho biết, lý do mua cổ phiếu nhằm mở rộng danh mục đầu tư.
Bất động sản Dragon chỉ mới thành lập vào ngày 25/11/2023, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và có trụ sở chính đặt tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Đại diện pháp luật gồm 2 cá nhân là bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Thanh Huyền - Tổng Giám đốc.
Theo tìm hiểu, Công ty có vốn điều lệ 1.65 ngàn tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land sở hữu 66%, Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh nắm 33.9%, còn lại 0.1% thuộc về ông Dương Anh Tuấn. Ngày 09/12, Công ty tăng vốn điều lệ lên 2.26 ngàn tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Tuy mới thành lập, Bất động sản Dragon lại có mối quan hệ thân thiết với nhóm cổ đông quan trọng tại TPB, bao gồm CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - công ty mẹ của DOJI Land; bà Đỗ Vũ Phương Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật DOJI Land, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI; CTCP Hải Phòng Invest - công ty do DOJI Land làm cổ đông lớn nhất.
Sau giao dịch mua cổ phiếu TPB của Bất động sản Dragon, nhóm nhà đầu tư này đồng thời cũng tăng sở hữu từ gần 223 triệu cp (tương ứng 10.13% vốn) lên hơn 250.6 triệu cp (tương ứng 11.38% vốn).
* Tiềm lực của công ty hai tuần tuổi mua vào hơn 27.6 triệu cp TPB
Funderra, 2 ngày tuổi, chi ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu VIB
Từ ngày 21/07 - 20/08/2023, một công ty có tên CTCP Funderra đã mua thỏa thuận hơn 118.7 triệu cp VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, nâng sở hữu từ 0% lên 4.68%.
Funderra có sự góp vốn của ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB. Sau giao dịch, nhóm cổ đông liên quan này nâng sở hữu tại VIB lên 9.629%
Tuy không hoàn thành kế hoạch ban đầu là mua hơn 124.7 triệu cp, nhưng giá trị thương vụ khá lớn, ước tính khoảng 2,390 tỷ đồng, xét theo giá giao dịch thỏa thuận trung bình 20,142 đồng/cp.
Cùng với giao dịch mua của Funderra, ở chiều ngược lại, ông Đặng Quang Tuấn - con trai ông Đặng Khắc Vỹ, đã bán thỏa thuận hơn 124.7 triệu cp VIB, tương đương 4.916% vốn, trong giai đoạn 21/07 - 09/08/2023. Số cổ phiếu này đúng bằng với lượng cổ phiếu Funderra đăng ký mua vào, làm dấy lên những hoài nghi về một hành động “sang tay” giữa hai bên. Khoảng thời gian này còn xuất hiện giao dịch thỏa thuận mua vào 25 triệu cp của bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Thành viên độc lập HĐQT VIB, thực hiện từ ngày 25/07 - 16/08/2023.
Về phần Funderra, thành lập ngày 14/07/2023, chỉ trước thời điểm ra thông báo đăng ký mua cổ phiếu VIB 2 ngày. Vốn điều lệ ban đầu là 2,500 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Đặng Khắc Vỹ nắm gần 80%, bà Trần Thị Thảo Hiền 20%, ông Nguyễn Văn Phong (Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) 20%.
Ngành nghề chính của Funderra là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê... trụ sở tại Centec Tower, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Mục đích của những giao dịch khủng này là gì?
Có thể thấy, những doanh nghiệp vài ngày tuổi nói trên đều có liên hệ mật thiết với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện mua bán cổ phiếu. Giá trị thương vụ lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng - con số không hề nhỏ so với tiềm lực của không ít nhà đầu tư tổ chức lão luyện trên thị trường chứng khoán.
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam lý giải, những doanh nghiệp non trẻ này được thành lập có thể đã có định hướng để đầu tư vào những cổ phiếu, doanh nghiệp cụ thể. Nói cách khác, họ đã có mục đích ngay từ ban đầu.
Cũng theo ông Phương, những doanh nghiệp mới thành lập sẽ có sự thận trọng và thường không hành động quá mạnh dạn, quyết liệt như vậy. Do đó, việc các doanh nghiệp chỉ vài tuần, vài tháng tuổi nhưng lại thực hiện các khoản đầu tư lớn thì rõ ràng là trái với thông lệ.
Các trường hợp như trên thực ra không mới và đã từng xảy ra trong quá khứ. Việc chúng diễn ra khá nhiều trong thời gian gần đây, dù không thể khẳng định sẽ trở thành xu hướng, nhưng sẽ là cách thức một số doanh nghiệp, ông chủ lớn còn tiếp tục vận dụng trong tương lai.
Ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO CTCP ViCK cho rằng, các thương vụ trên có thể do doanh nghiệp hay cá nhân liên quan nhận thấy giá các cổ phiếu họ đang tham gia đang có mức định giá thấp. Với những doanh nghiệp rất non trẻ nhưng có số vốn lớn thì bản chất số vốn đấy không từ kinh doanh, tích lũy nhiều năm có được, mà là vốn của những cá nhân hay doanh nghiệp liên quan.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các giao dịch thông qua một chủ thể khác có thể tránh các trường hợp giao dịch gây chú ý khi liên quan trực tiếp đến cá nhân đó.
Vấn đề này cũng có thể liên quan đến câu chuyện sở hữu. Có thể mức độ sở hữu riêng lẻ hoặc sở hữu ban đầu chưa đủ nhiều, nhưng nhóm cổ đông liên quan lại tạo ra một tỷ lệ sở hữu lớn hơn, mức độ chi phối cao hơn, ông Điệp nhận định.
Cũng không loại trừ trường hợp những doanh nghiệp mới thành lập nhằm thực hiện những vấn đề về nghiệp vụ, tức là những doanh nghiệp đứng sau giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ xấu, trái phiếu… Qua đó, hạn chế những tác động về hình ảnh của các doanh nghiệp niêm yết, CEO ViCK nêu quan điểm.
Huy Khải
FILI
|