Cổ phiếu đầu tư công đang bị thị trường “ghẻ lạnh”?
Dù quý 4/2023 được kỳ vọng là quý có doanh thu được báo cáo cao nhất với nhiều cổ phiếu Đầu tư công nhờ yếu tố mùa vụ nhưng đợt sóng của các cổ phiếu Ngân hàng cũng đang khiến cho cả ngành này giảm đi sức hút.
Chủ đề đầu tư công đã đem lại sinh khí cho thị trường chứng khoán đầu năm ngoái sau cú sốc giải chấp chéo. Sự kiện đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần của dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã kích hoạt đợt tăng của hàng loạt cổ phiếu. Riêng trong quý 1/2023, nhiều mã đã tăng giá trên 20% như LCG, HHV, HT1, KSC, VLB, PLC trong đó LCG thậm chí đã tăng tới 70%.
Tuy nhiên, đầu năm 2024, diễn biến lại đang có sự trái ngược khi tính đến hết phiên giao dịch 12/01, trong 17 mã được thống kê chỉ có 3 mã ghi nhận trạng thái tăng giá so với đầu năm, đó là các cổ phiếu VLB, CII, KSB với thành tích tăng từ 2-6%.
Về mặt xu hướng dài hạn, các cổ phiếu đầu tư công đang có sự chia rẽ khá mạnh với 8/17 mã vẫn đang nằm dưới đường MA200. Chiều ngược lại, chỉ có CTD và HHV để lại dấu ấn rõ rệt khi đều đã bứt phá khỏi đường xu hướng dài hạn.
Tuy nhiên, hiện cả HHV và CTD đều gặp trở ngại trong ngắn hạn. Cả 2 mã này đều đã tăng giá rất ấn tượng trong năm 2023 với mức tăng lần lượt là 87% và 179% nhưng cùng điều chỉnh trong 2 tuần đầu năm 2024: HHV đã giảm 0.3% còn CTD giảm 1.7%.
Những diễn biến này cho thấy xu hướng nhóm cổ phiếu đi theo chủ đề đầu tư công dường chưa hề vào sóng tăng dù giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là thời điểm Chính phủ chạy “nước rút” giải ngân để kịp kế hoạch đề ra.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là gần 580 ngàn tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch, đạt 82% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, dù vẫn còn khoảng 2 tuần nữa mới hết thời hạn (31/1/2024) giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra con số rất ấn tượng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3.58 điểm phần trăm (91.4%).
Đây cũng là điều đã được CTCK Mirae Asset Vietnam (MAS) dự báo trong báo cáo Ngành Xây dựng vào đầu tháng 12 vừa qua. Theo đó, MAS đánh giá việc giải ngân có xu hướng tăng lên trong thời gian cuối năm, trùng với thời điểm doanh thu của các công ty xây dựng tăng tốc.
MAS cũng cho biết, do ngành đã phục hồi kể từ quý 3 năm 2023, một số công ty đang đi đúng hướng để đạt được kế hoạch cho năm tài chính 2023, trong khi những công ty khác khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. HHV, CTD và DPG có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2023 nhất, về doanh thu và lợi nhuận ròng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của một số doanh nghiệp Xây dựng.
|
Quý 4/2023 vẫn sẽ là quý có doanh thu được báo cáo cao nhất do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và các công ty tìm cách tăng khối lượng công việc nhiều nhất có thể để đạt được mục tiêu năm tài chính.
Như vậy, kỳ vọng tích cực cho các cổ phiếu đầu tư công vẫn có nhưng câu chuyện của thị trường rõ ràng lại chưa đáp ứng, điều vẫn thường xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Ở thời điểm hiện tại, sự chú ý đã dành hết cho các cổ phiếu ngân hàng. Không chỉ riêng nhóm cổ phiếu đầu tư công, nhiều cổ phiếu khác cũng đang bị ảnh hưởng khá lớn và đều ghi nhận trạng thái điều chỉnh trong khi một số cổ phiếu ngân hàng liên tục phá kỷ lục giá. Theo thống kê, tỷ lệ các cổ phiếu có xu hướng tăng ngắn hạn trên HOSE đã giảm từ mức 74.5% xuống còn 51%. Đồng nghĩa, chỉ có khoảng một nửa các cổ phiếu trên sàn có xu hướng tăng ngắn hạn.
Tỷ lệ các mã có xu hướng ngắn hạn đã sụt giảm nhanh trong 2 tuần vừa qua.
|
Để VN-Index có thể tiến xa hơn trong thời gian tới, thị trường sẽ cần phải có sự luân chuyển của dòng tiền từ ngân hàng sang các nhóm ngành khác. Dù điều này vẫn là ẩn số nhưng nếu xảy ra, các cổ phiếu đầu tư công có thể là một điểm đến tiềm năng.
Quân Mai
FILI
|