Thứ Ba, 16/01/2024 09:53

Cổ đông lớn F&N của Vinamilk kinh doanh ra sao năm 2023?

Khép lại năm 2023, mảng sữa có đóng góp quan trọng giúp F&N mang về 248 triệu SGD (185.6 triệu USD) lợi nhuận trước thuế và lãi vay, trong đó VNM đóng góp khoảng 36%.

Các thương hiệu của F&N đang có mặt trên thị trường. Nguồn: F&N

F&N hoạt động chủ yếu trong ngành kinh doanh thức ăn và đồ uống (F&B) và một phần nhỏ đến từ lĩnh vực xuất bản, in ấn. Năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 2.1 tỷ SGD (1.5 tỷ USD), tăng 4.8% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 16%, mang về hơn 205 triệu SGD (153.4 triệu USD) chủ yếu nhờ khoản lãi bất thường.

Cơ cấu cho thấy, mảng sữa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57% trong tổng doanh thu (tương đương gần 1.2 tỷ SGD), đồ uống chiếm 29%, còn lại 10% và 4% của xuất bản, in ấn và doanh thu khác. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (PBIT) thu được từ mảng sữa chiếm đến 86% (tương ứng khoảng hơn 214 triệu SGD), đồ uống chiếm 15% trong khi đó xuất bản, in ấn đang chịu lỗ.

Hoạt động kinh doanh sữa đóng góp 67% trong tổng 5.1 tỷ SGD (3.8 tỷ USD) tài sản của F&N, còn đồ uống 14%, xuất bản và in ấn 6%.

Thống kê tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế và lãi vay của F&N (Đvt: SGD). Nguồn: F&N

Bất lợi từ tỷ giá và chi phí tăng cao

Dù là thành lập tại Singapore nhưng doanh thu năm vừa qua của F&N chiếm phần lớn tại Malaysia và Thái Lan, với lần lượt 833 triệu SGD (623 triệu USD) và 659 triệu SGD (493 triệu USD), tỷ trọng xấp xỉ 40% và 31%. Con số này gấp 3.5 lần so với 424 triệu SGD (317 triệu USD) kiếm được tại quê nhà. Khoản đầu tư vào CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) không được ghi nhận doanh thu do đang là doanh nghiệp liên kết.

Tại Malaysia, F&N có số lượng nhà máy cũng như văn phòng áp đảo các khu vực còn lại, với hoạt động hầu hết trong lĩnh vực như sữa, nước giải khát, bia, đóng gói thực phẩm, in ấn và xuất bản. Ở Việt Nam, F&N hiện chỉ đang đầu tư duy nhất vào mảng sữa.

Tuy nhiên, Thái Lan lại là khu vực chiếm trên 50% PBIT của F&N trong năm 2023, ghi nhận 112 triệu SGD (84 triệu USD), đứng thứ hai là thị trường Việt Nam với 89.5 triệu SGD (67.1 triệu USD), tại Malaysia chỉ 63 triệu SGD (47 triệu USD), trong khi Singapore lỗ 11 triệu SGD (8.2 triệu USD).

Kết quả hoạt động của F&N tại khu vực Đông Nam Á (Đvt: SGD). Nguồn: F&N

Năm qua, doanh thu mảng F&B của F&N được thúc đẩy bởi doanh số mảng bia, còn nước giải khát và sữa đối mặt doanh thu giảm nhẹ do diễn biến tỷ giá gặp bất lợi.

Công ty cho biết, theo tỷ giá hối đoái cố định, doanh thu F&B tăng trưởng 7%, nhờ giá bán tăng, sản lượng bia và nước giải khát tăng cao cũng như doanh số bán sữa lon sang các thị trường xuất khẩu được cải thiện. Bia vẫn là sản phẩm có thành tích nổi bật, tăng trưởng ở mức 86%; nước giải khát và sữa đều ghi nhận mức tăng trưởng 4%.

Thu nhập ngành F&B đạt 250 triệu SGD (187 triệu USD), tăng 7% chủ yếu nhờ vào đóng góp then chốt từ các công ty sữa với mức tăng 9% bất chấp doanh thu bán hàng trì trệ, tỷ giá bất lợi và chi phí đầu vào cao. Ngược lại, nước giải khát và bia lại cho thu nhập giảm 2% với lý do tương tự, chi phí đường và bao bì tăng cũng như chi cho thương hiệu cao hơn.

Năm 2023, doanh thu mảng sữa giảm còn 1.2 tỷ SGD (0.9 tỷ USD) do doanh số bán hàng giảm ở Thái Lan và Singapore, nhưng bù lại tăng ở thị trường Malaysia.

Dù vậy, thu nhập mảng này của F&N lại tăng 9% nhờ đóng góp từ các công ty sữa tại Thái Lan và Malaysia do giá bán tăng. Mức tăng này bù cho chi phí quảng cáo và khuyến mãi cao, đồng thời nguồn cung các công ty sữa Singapore bị gián đoạn do di dời nhà máy cũng như giảm lợi nhuận từ VNM. Nếu bỏ qua tác động từ tỷ giá, thu nhập mảng sữa tăng 14%.

Dù gặp bất lợi về tỷ giá, doanh thu mảng đồ uống năm 2023 của F&N tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, lên 604 triệu SGD (452 triệu USD) chủ yếu được đóng góp bởi hoạt động kinh doanh bia tại Myanmar sau khi mở rộng công suất nhưng PBIT của đồ uống lại giảm 2% còn 37 triệu SGD (28 triệu USD) ngoài tỷ giá còn do chi đầu tư thương hiệu tăng cao. Bỏ qua tác động từ tỷ giá, thu nhập mảng đồ uống tăng 5%.

Kết quả kinh doanh 10 năm đi ngang

Nhìn lại 10 năm trước, doanh thu của F&N chỉ tăng khiêm tốn 3%, còn PBIT tăng 74%, trung bình tăng trưởng 6%/năm. Tổng tài sản tăng 43% so với con số 3.6 tỷ SGD (2.7 tỷ USD) của năm 2013.

Vốn hóa thị trường lại có xu hướng suy giảm, từ 2.5 tỷ SGD (1.9 tỷ USD) năm 2019 xuống còn 1.6 tỷ SGD (1.2 tỷ USD) năm 2023. Tỷ lệ cổ tức của F&N tăng dần trong những năm gần đây, đạt 60% và cao nhất từ năm 2019.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế và lãi vay gần như đi ngang sau 10 năm (ĐvtL: SGD). Nguồn: F&N

Trên bảng cân đối, F&N duy trì xấp xỉ 3 tỷ SGD (2.25 tỷ USD) tài sản thuần từ năm 2019 mà không có nhiều biến động. Tổng tài sản tăng nhẹ 8.5% từ 4.7 tỷ SGD (3.5 tỷ USD) lên 5.1 SGD (3.8 tỷ USD). Tương tự, các khoản vay dài hạn không có sự thay đổi đáng kể.

Tình hình tài chính của F&N giai đoạn 2019 – 2023 (Đvt: triệu USD)

Khép lại năm 2023, kết quả kinh doanh của F&N không nhiều đột phá, do đó lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trung bình tiếp tục duy trì quanh 4%, gần như không thay đổi trong vòng 5 năm qua, nhưng đang có xu hướng giảm dần.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của F&N giai đoạn 2019 – 2023 (Đvt: %)
Nguồn: VietstockFinance

VNM đóng góp 36% lợi nhuận

Năm 2023, F&N ghi nhận 89 triệu SGD (67 triệu USD) lợi nhuận trước thuế và lãi vay từ khoản đầu tư vào VNM, chiếm 36% tổng lợi nhuận doanh nghiệp. Mức đóng góp này thấp hơn so với 42% của năm 2022.

F&N bắt đầu mua vào 5% vốn cổ phần VNM từ năm 2005. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 5.4% sau khi Công ty mua thêm cổ phần qua đấu giá cạnh tranh.

Đến cuối năm 2023, F&N sở hữu 20.4% vốn cổ phần VNM thông qua hai công ty con là F&N Dairy Investments Pte Ltd (17.69%) và F&N Bev Manufacturing Pte. Ltd (2.7%).

Lịch sử hình thành của F&N bắt đầu từ hơn 1 thế kỷ trước, năm 1883, hai người đàn ông John Fraser và David Chalmers Neave thành lập công ty The Singapore and Straits Aerated Water để sản xuất nước ngọt có ga và trở thành công ty đại chúng vào năm 1898 với cái tên hiện tại Fraser and Neave, Limited.

Một số sản phẩm của F&N đang giữ thị phần đứng đầu. Nguồn: F&N

Hơn 100 năm sau đó, F&N mở rộng bằng cách thành lập và liên doanh với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành F&B như với Heineken của Hà Lan để sản xuất và cho ra đời bia Tiger (1931); liên doanh với Beatrice Foods của Chicago xây dựng nhà máy sữa đặc ở Malaysia (1959); bắt đầu sản xuất sữa ở Singapore (1968); trở thành nhà đóng chai chính cho Coca-Cola với các nhà máy tại Đông Nam Á (1992); tham gia vào thị trường bia Myanmar (1995); mua lại công ty sữa nước đóng hộp của Nestle (2006); VNM thành công ty liên kết từ năm 2017; thành lập công ty Emerald Brewery Myanmar Limited sản xuất, phân phối bia Chang tại Myanmar (2019); tham gia vào công ty đóng gói thức ăn sau khi mua lại Sri Nona Group of Companies và Cocoaland Holdings Bhd (2021/2022); bắt đầu xây dựng nông trại sản phẩm sữa tích hợp ở Malaysia (2023).

Tính đến tháng 12/2023, cơ cấu cổ đông của F&N cho thấy cổ đông lớn gồm có DBS Nominees Pte Ltd nắm 29.99%, United Overseas Bank Nominees Pte Ltd nắm 29.59%, InterBev Investment Limited 28.34%, ngoài ra còn có Citibank Nominees Singapore Pte Ltd nắm 3.12%.

20 cổ đông lớn nhất tại F&N tính đến tháng 12/2023. Nguồn: F&N

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ồ ạt thoái vốn đầu tư (16/01/2024)

>   VLF: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (16/01/2024)

>   SBM: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (16/01/2024)

>   Bamboo Airways nhận thêm 2 máy bay mới trước Tết (15/01/2024)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 16/01/2024 (15/01/2024)

>   Foodcosa có lãi cao nhất từ khi cổ phần hóa nhưng không bù nổi khoản lỗ lũy kế hơn 190 tỷ (15/01/2024)

>   HNX: Số liệu Quản lý Sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại ngày 16/01/2024 (15/01/2024)

>   HNX: Số liệu Quản lý Sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại ngày 16/01/2024 (15/01/2024)

>   Công ty con tại Campuchia không còn lỗ, Cao su Tây Ninh bứt tốc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (15/01/2024)

>   TVG: Báo cáo quản trị công ty năm 2023 (15/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật