Cao su Hòa Bình bứt tốc trong quý 4, khép lại năm 2023 với lãi ròng gấp 3 lần kế hoạch
Lãi ròng quý 4/2023 của CTCP Cao su Hòa Bình (Horuco, HOSE: HRC) cao gấp đôi cùng kỳ, nhờ giá bán và sản lượng cao su tăng, bên cạnh được hưởng cổ tức từ hai công ty cùng tập đoàn. Khép lại năm 2023, HRC lãi ròng gần 17 tỷ đồng, tăng 72% và cao gấp 3 lần kế hoạch năm đề ra.
HRC thường bứt phá lợi nhuận trong quý 4 hàng năm |
|
Quý 4/2023, Cao su Hòa Bình mang về hơn 94 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp bởi doanh thu hàng hóa mủ cao su tăng mạnh. Đáng chú ý, tỷ trọng doanh thu đến từ bán hàng cho công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) ghi nhận mức 60%, trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 26%.
Biên lãi gộp được cải thiện 4.7 điểm phần trăm lên 11.9%, giúp lãi gộp tăng 80% lên hơn 11 tỷ đồng.
Theo HRC, giá bán trong quý 4/2023 đạt 35.2 triệu đồng/tấn, tăng gần 6% so với quý 4/2022 là 33.3 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, sản lượng cao su khai thác cũng cao hơn cùng kỳ.
Hoạt động tài chính cũng là điểm sáng với doanh thu cao gấp 4.3 lần cùng kỳ, lên gần 11 tỷ đồng, trong khi chi phí lại được tiết giảm 9%, còn 3 tỷ đồng. Qua đó, Công ty có lãi từ hoạt động tài chính hơn 7.7 tỷ đồng, thay vì chịu lỗ gần 800 triệu như cùng kỳ.
Lưu ý rằng, trong kỳ Công ty nhận được tổng cộng gần 11 tỷ đồng từ cổ tức còn lại năm 2022 của CTCP Cao su Việt Lào và tạm ứng cổ tức năm 2023 của CTCP Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Đây đều là các công ty cùng tập đoàn với HRC.
Đôi chút áp lực đến từ việc chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng và lợi nhuận khác giảm. Nhưng sau cùng, HRC vẫn khép lại năm 2023 với lãi ròng gần 13 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ và thậm chí cao gấp 2.8 lần lãi ròng của 9 tháng đầu năm.
Kết thúc năm 2023, HRC mang về hơn 183 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với năm trước. Lãi ròng gần 17 tỷ đồng, tăng 72% và cao gấp 3 lần kế hoạch năm đề ra là 5.5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế năm 2023 của HRC
Đvt: Tỷ đồng
|
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của HRC xấp xỉ 819 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm. Hai khoản mục có tỷ trọng cao nhất là tài sản cố định chiếm 32%, chủ yếu là giá trị vườn cây cao su và tài sản dở dang dài hạn chiếm 31%, phần nhiều đến từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại vườn cây kiến thiết cơ bản.
HRC cũng dành gần 238 tỷ đồng, tương đương 29% tài sản để thực hiện đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến sản phẩm từ cao su.
Về cơ cấu nguồn vốn, HRC có dư nợ vay hơn 237 tỷ đồng, đa phần là vay ngắn hạn, mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay tín chấp và thế chấp bằng tài sản liên quan đến các vườn cây cao su.
Huy Khải
FILI
|