2023: Ngôi vương cổ tức tiền mặt xướng tên ai?
Tổng kết năm 2023, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có mức chi cổ tức với tỷ lệ trên 100% (10,000 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu). Nhưng cái tên nào trả cao nhất trên toàn thị trường?
Thống kê từ VietstockFinance, trong năm 2023, có 749 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Trong đó, 441 cái tên chi trả với tỷ lệ từ 10% trở lên.
Đáng chú ý, có 8 doanh nghiệp trên cả 3 sàn chốt quyền trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ trên 100%. HNX và UPCoM, mỗi sàn có 3 cái tên góp mặt và 2 đơn vị trên sàn HOSE.
* Chốt ngày tính cổ tức theo ngày giao dịch không hưởng quyền trong năm.
20 doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất năm 2023
|
“Vua cổ tức” từ HNX
Ngôi vương cổ tức năm qua thuộc về PRC (Logistics Portserco) từ HNX, với tỷ lệ tới 350% để trả cổ tức 2022 - tương đương cổ đông sở hữu 1 cp sẽ nhận được 35,000 đồng.
Kết phiên 27/12/2023, giá đóng cửa của PRC là 20,500 đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức 171%. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ suất cổ tức tương lai của PRC sẽ không cao đến vậy, vì đây là mức cổ tức kỷ lục của doanh nghiệp. Trước đó, PRC chỉ trả cao nhất là 20%, trong giai đoạn 2016 - 2017.
Căn nguyên của mức chi cao bất thường này là khoản lãi ròng kỷ lục 50 tỷ đồng mà PRC có được năm 2022, nhờ vào việc hoàn tất bán tài sản là dự án kho bãi tổng hợp ở Đà Nẵng. Những năm trước đó, PRC hoạt động tương đối nhạt nhòa. Ngoại trừ năm 2009 có lợi nhuận 16 tỷ đồng, những năm còn lại chỉ thu lãi từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Ngoài ra, để mua được cổ phiếu PRC không phải đơn giản vì thanh khoản không cao, số lượng khớp lệnh chỉ dao động từ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên, ít có trường hợp đột biến.
PMC (Pharmedic) xếp thứ 2 tại HNX, đứng thứ 3 toàn thị trường về mức trả cổ tức năm qua với tỷ lệ 156% (mỗi cổ phiếu nhận được 15,600 đồng). Đây là kết quả của 5 đợt trả cổ tức, với 3 đợt cho năm 2023 và 2 đợt là cổ tức năm 2022, trong đó đợt 1/2023 được trả với tỷ lệ tới 80%. Tỷ suất cổ tức là 18%.
Thực tế, PMC chỉ đặt kế hoạch trả 24% cổ tức bằng tiền tại ĐHĐCĐ 2023. Tuy nhiên vào cuối tháng 9, HĐQT đã trình và được thông qua mức trả tới 126%, với nguồn tiền từ việc hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời điểm này, PMC còn hơn 35 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 313 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
SLS (Mía đường Sơn La) có năm thứ 2 liên tiếp vào danh sách trả cổ tức cao nhất thị trường với tỷ lệ 150%, tương ứng tỷ suất cổ tức là 11%.
Theo thống kê, kể từ khi niêm yết trên HNX vào năm 2012, SLS luôn chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường trên 50%, thậm chí là cao nhất HNX năm 2022 với tỷ lệ 100%. Tuy nhiên trên thị trường, cổ phiếu SLS cũng có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
Ngoài ra, HNX có 3 cái tên lọt vào top 20 doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất thị trường năm qua là DP3 (80%), BAX (70%) và HVT (70%), tương ứng tỷ suất cổ tức 12%, 14%, và 16%.
Hưởng lợi suất gấp hàng chục lần trên UPCoM
Ở phân khúc cổ tức tỷ lệ trên 100%, sàn UPCoM đóng góp 3 cái tên. Đầu tiên là PAT (Phốt Pho Apatit Việt Nam), doanh nghiệp “cháu” của ông lớn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) với tỷ lệ 196.55% - tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 19,655 đồng. Mức chi này gồm lần trả cổ tức đợt 3/2022, và đợt 1/2023. Tỷ suất cổ tức là 21%.
HLB (CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long) là cái tên trả cổ tức cao thứ 2 trên UPCoM năm qua, ở mức 150%. Tuy nhiên, với thị giá gần hơn 265,000 đồng/cp tại thời điểm kết phiên 27/12, tỷ suất cổ tức năm chỉ rơi vào khoảng 6% trong trường hợp HLB giữ nguyên mức chi nêu trên.
FBC (Cơ khí Phổ Yên) là cái tên cuối trong nhóm cổ tức trên 100% ở UPCoM, với tỷ lệ 120%. Đây là tỷ lệ trả cổ tức cao nhất của FBC kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Đáng chú ý, với thị giá chỉ 3,700 đồng/cp, cổ đông có thể thu về gấp hơn 3 lần số tiền bỏ ra (tỷ suất cổ tức đạt 324%).
Tuy nhiên, không dễ để mua được FBC. Từ năm 2017, không có bất kỳ giao dịch mua bán cổ phiếu FBC nào được thực hiện. Một phần nguyên nhân do cơ cấu cổ đông cô đặc (78% nằm trong tay công ty mẹ và các cổ đông lớn), phần khác có thể là vì mức chi cổ tức cao đều đặn mỗi năm trên thị giá thấp khiến không cổ đông nào muốn buông tay khỏi “mỏ vàng” này.
Trong top 20 còn 3 cái tên khác thuộc UPCoM, là AVC (95.65%, tỷ suất 17%), ICN (95%, tỷ suất 21%) và HDM (70%, tỷ suất 26%).
Đáng chú ý, nhiều mã cổ phiếu thuộc UPCoM, dù tỷ lệ chi trả không quá lớn, nhưng cho tỷ suất cổ tức cao đến giật mình. Như DNN, với thị giá chỉ 200 đồng, tỷ suất cổ tức sẽ lên tới 1100%, tức cổ đông có thể nhận về số tiền gấp 11 lần. Tương tự, BCB cho tỷ suất tới 751%; CPH có tỷ suất trên 650%...
Tuy nhiên, điểm chung của các doanh nghiệp này là đều có cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản trên thị trường gần như không có.
Các mã cổ phiếu mang lại tỷ suất cổ tức trên 100%
|
HOSE chiếm ưu thế
Chiếm đa số trong top 20 là nhóm cổ phiếu trên HOSE, trong đó có 2 mã trả cổ tức với tỷ lệ trên 100%.
Đầu tiên là CAV (Cadivi), doanh nghiệp được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhóm Gelex. Trong năm 2023, CAV đã chi trả tổng cộng 5 đợt cổ tức bằng tiền, gồm 3 đợt năm 2022 và 2 đợt năm 2023, tổng tỷ lệ 140%. Tỷ suất cổ tức của CAV là 21%.
Thứ 2 là doanh nghiệp ngành nhựa BMP (Nhựa Bình Minh), với 2 đợt chi cổ tức (đợt 2/2022 và tạm ứng đợt 1/2023) tổng cộng 118% trong năm qua. Tỷ suất cổ tức của BMP là 11%.
Kết quả kinh doanh của BMP cũng đang tỏ ra khả quan. 9 tháng đầu năm 2023, lãi ròng lũy kế của BMP đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm (651 tỷ đồng).
Châu An
FILI
|