Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của các công ty xe hơi, hóa chất và điện tử Nhật Bản
Trong cuộc khảo sát công bố trong ngày 15/12, Ấn Độ và Việt Nam được xem là quốc gia có triển vọng phát triển kinh doanh nhất đối với các nhà sản xuất Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 3.
Trong cuộc khảo sát này, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã tham khảo ý kiến của 534 nhà sản xuất ở các lĩnh vực như xe hơi, hóa chất và điện tử.
Khi được hỏi về quốc gia có triển vọng phát triển kinh doanh trong trung hạn (cho phép đưa ra nhiều câu trả lời), Việt Nam được lựa chọn nhiều thứ 2 với tỷ lệ 30.1%, nhờ lực lượng lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.
Dù tiền lương ở đất nước hình chữ S đang tăng qua mỗi năm, các công ty Nhật Bản vẫn “chưa quá lo ngại về chi phí lao động”, Shinichi Itagaki, Giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu chiến lược của JBIC, chia sẻ. Trong cuộc khảo sát trước đó, Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 4.
Nhiều chính quyền địa phương của Nhật Bản, trong đó có các tỉnh Gunma, Shiga và Tochigi, đã cử phái đoàn đến Việt Nam trong năm nay. Các công ty sản xuất chiếm đa số trong phái đoàn, nhưng một nguồn tin từ Ngân hàng Gunma lưu ý rằng “các công ty chuyên phục vụ nhu cầu nội địa cũng đang chú ý tới đất nước hình chữ S”.
Hiện tại, Việt Nam dường như được coi là điểm đến tiềm năng hàng đầu để chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Dẫn đầu cuộc khảo sát lần này là Ấn Độ với 48.6%. Lý do được đưa ra nhiều nhất là tiềm năng tăng trưởng của xứ sở cà ri.
Ông Itagaki cho rằng môi trường đầu tư khó khăn ở Trung Quốc cũng là lý do dẫn tới sự trỗi dậy của Ấn Độ. Ông cũng lưu ý đến tăng trưởng dân số và sự cải thiện về cơ sở hạ tầng của đất nước đông dân nhất thế giới.
Chỉ 28.4% công ty đánh giá Trung Quốc là đất nước nhiều triển vọng kinh doanh, mức thấp kỷ lục. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn đứng ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai kể từ năm 2015. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sự chững lại của nền kinh tế là các yếu tố khiến vị thế của Trung Quốc suy yếu.
Gần 57% công ty Nhật Bản muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam phần lớn đều muốn tiếp tục mở rộng đầu tư ở đất nước hình chữ S.
Ngày 11/12, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố kết quả khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2023, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kết quả khảo sát có 54.3% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2023, giảm 5.2 điểm so với năm trước, tương đương mức năm 2021 khi còn trong dịch COVID-19. Tỷ lệ này thấp hơn 6.6 điểm so với mức trung bình của ASEAN.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam, 32% doanh nghiệp Nhật trả lời dự báo hoạt động kinh doanh năm 2023 của họ cải thiện (giảm 15.6 điểm so với năm trước), tỷ lệ dự báo xấu đi là 35.7% (tăng 13.1 điểm so với năm trước).
Một lần nữa, con số này lại giảm xuống mức tương tự năm 2021, thời kỳ trong dịch Covid với tỉ lệ cải thiện là 31.4% và tỉ lệ xấu đi là 36.6%.
Lý do cải thiện kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 nhiều nhất là nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng, tiếp theo là cải thiện năng suất, cắt giảm chi phí…Tỷ lệ phản hồi về yếu tố nỗ lực trong hoạt động quản lý tăng lên.
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự báo xấu đi nhiều là do nhu cầu giảm. Điều này vượt quá những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm của năm 2022 như chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng hay biến động của tỷ giá hối đoái.
Về phương hướng triển khai kinh doanh trong một, hai năm tới, có 56.7% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời mở rộng tại Việt Nam (giảm 3.3 điểm so với năm trước).
Tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản trả lời thu hẹp hoặc rút lui hay di chuyển sang nước thứ ba là 2.5% (tăng 1.4 điểm so với năm ngoái).
Lý do doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh trong một, hai năm tới ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều lựa chọn mở rộng nhu cầu thị trường nội địa và tăng xuất khẩu.
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng chức năng bán hàng do mở rộng nhu cầu thị trường trong nước là 62%.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|