Thủ tướng: Ngoại giao kinh tế phải bám sát nhu cầu trong nước
Khẳng định ngoại giao kinh tế là trụ cột quan trọng trong hoạt động ngoại giao nói chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác này cần tiếp tục bám sát yêu cầu trong nước, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Ngày 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 được tổ chức tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: VGP
|
6 thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao các nỗ lực và thành công của ngành ngoại giao và các lực lượng đối ngoại trong thời gian qua với 6 thành tựu nổi bật:
Thứ nhất, tục đổi mới tư duy, nhận thức, biến kinh tế thực sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của các hoạt động đối ngoại, nắm bắt sát diễn biến tình hình và tham vấn hiệu quả trong xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế;
Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa bên trong và bên ngoài;
Thứ ba, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, như an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường;
Thứ tư, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển;
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, chuyển văn hóa thành sức mạnh nội sinh;
Thứ sáu, triển khai hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân, đặc biệt là địa phương với địa phương.
Ngoại giao kinh tế phải bám sát nhu cầu trong nước
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành Ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong 3 năm qua, tuy nhiên cũng không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.
Thủ tướng chỉ ra các điểm còn hạn chế trong ngoại giao kinh tế như: Công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động, thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm, "sự đột phá về ngoại giao kinh tế là có nhưng chưa cao, ký kết nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn khiêm tốn", thủ tục còn rườm rà...
Giao nhiệm vụ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hoà về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ". Tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh.
"Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu, cần bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. "Phải làm những gì người ta cần, không làm những gì ta có", Thủ tướng nói và diễn giải rằng có thể thu thập được rất nhiều thông tin nhưng phải xác định được thông tin mà người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần là cái gì.
Ngoài ra, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, "có tâm, có tầm".
Tùng Phong
FILI
|