Thứ Sáu, 01/12/2023 09:00

Thách thức trong cuộc đua cán đích lợi nhuận của ngành ngân hàng?

Sau 9 tháng đầu năm, vẫn chưa có ngân hàng nào cán đích chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Mới chỉ có 10 ngân hàng thực hiện trên 75% kế hoạch lợi nhuận.

VCB xây chắc top 1 lợi nhuận, ngôi vị á quân tiếp tục đổi chủ

Trước sự suy yếu trong nhu cầu tín dụng, nguồn thu nhập chính của ngân hàng giảm trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm chậm hơn thu nhập lãi thuần. Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2023 đạt 59,607 tỷ đồng, giảm 970 tỷ đồng; tỷ lệ giảm tương đương 2% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VietstockFinance

Hơn một nửa ngân hàng trong hệ thống công bố giảm lợi nhuận quý 3. Trong đó, Eximbank là nhà băng có lợi nhuận trước thuế giảm mạnh nhất (-76%), chỉ còn 307 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận trong kỳ là do thu nhập lãi thuần giảm 42%, xuống còn 869 tỷ đồng. Đặc biệt, quý này Eximbank chuyển từ hoàn nhập 296 tỷ đồng sang trích lập dự phòng hơn 170 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đạt 187,504 tỷ đồng, giảm 4,997 tỷ đồng; tỷ lệ giảm tương đương 3% so với cùng năm trước trong bối cảnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh hơn thu nhập lãi thuần.

Nguồn: VietstockFinance

Với lãi trước thuế vỏn vẹn 61 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước, BVBank là nhà băng có lãi trước thuế giảm mạnh nhất hệ thống.

BVBank cho biết, dù mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm nhiều nhưng gánh nặng chi phí huy động vốn ở mức lãi suất cao từ cuối quý 3/2022 vẫn còn lớn (chi phí huy động vốn tăng 54% so với cùng kỳ 2022). Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp ở mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 2% - 3%, chất lượng tín dụng suy giảm do khó khăn chung của thị trường bất động sản và nền kinh tế đã và đang tác động lớn đến thu nhập và dự phòng rủi ro của Ngân hàng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo BVBank, từ cuối quý 3, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục nhất định, hoạt động của khách hàng khởi sắc hơn, tạo tiền đề giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng những tháng cuối năm, đặc biệt ở phần cho vay và thu hồi công nợ của Ngân hàng trong thời gian còn lại của năm 2023.

Sau 9 tháng, có 6 nhà băng ghi nhận lợi nhuận đạt trên 15,000 tỷ đồng, trong đó Vietcombank (VCB) tiếp tục duy trì ngôi quán quân lợi nhuận 9 tháng với mức lãi đạt gần 30 ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua các quý, ngôi vị á quân lại tiếp tục đổi chủ. Theo đó, từng “hụt” vị trí thứ hai lãi cao nhất 6 tháng đầu năm, MBB tăng tốc và giành lấy ngôi á quân lợi nhuận sau 9 tháng với thành tích hơn 20 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau là BID thu được 19,763 ngàn tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12%. Kế đến là CTG đạt 17,401 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10%.

Nguồn: VietstockFinance

Khó “cán đích” mục tiêu lợi nhuận năm nay?

Sau 9 tháng đầu năm, vẫn chưa có ngân hàng nào cán đích chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Mới chỉ có 10 ngân hàng thực hiện trên 75% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Năm 2023, Kienlongbank (KLB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2022. Với lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng 25%, KLB đã sắp chạm tới mục tiêu lợi nhuận cả năm với tỷ lệ thực hiện 91%.

Theo sau là SHB, MSBSGB với cùng tỷ lệ thực hiện 83%. Trong đó, cả 3 ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với kết quả năm 2022 từng đạt được. Ông lớn VCB dù dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành, nhưng sau 9 tháng cũng chỉ mới thực hiện 69% chỉ tiêu lãi trước thuế năm 2023.

Còn VPB , dù đã đi qua 3 quý, nhà băng này chỉ mới thực hiện được 34% mục tiêu lợi nhuận cả năm, do tập trung kiểm soát rủi ro khi tăng 18% dự phòng rủi ro tín dụng, nhưng nguồn thu chính từ lãi giảm 12%.

Có lợi nhuận 9 tháng giảm mạnh nhất hệ thống, BVB cũng là nhà băng có tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm tệ nhất, chỉ ở mức 12%. Khó có “phép màu” nào giúp BVB đạt mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, bởi chỉ còn 1 quý cuối cùng là đã kết thúc năm 2023.

Nguồn: VietstockFinance

Các nhà băng đối mặt với tình thế kinh doanh khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ mới đạt 6.92%, tính đến cuối tháng 9/2023 - thấp hơn nhiều so với mức 10.96% của cùng kỳ năm 2022, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho cả năm.

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với kỳ vọng chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân chính: Ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong 2 quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 3.7%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây. Hơn nữa, thị trường bất động sản - khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất - vẫn tiếp tục trầm lắng, dù lãi suất tạo đỉnh trong quý 2 song mặt bằng vẫn còn khá cao, do đó chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh.

Cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu lợi nhuận

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể tăng so với tháng trước để có nguồn vốn chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh dịp tết nên có thể giúp ngân hàng đạt được một số chỉ tiêu quý cuối năm. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ khó có khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm vì tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, do sức cầu yếu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bản thân ngân hàng cũng sẽ biết được họ có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận năm hay không, bởi vì khi lập kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu năm, họ đã đánh giá được yếu tố tích cực lẫn tiêu cực của ngành ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nhóm “Big 4” có vốn Nhà nước đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn.

Không loại trừ khả năng có thể xuất hiện trường hợp một số ngân hàng đạt mức lợi nhuận 3 quý đầu năm ở mức thấp so với cùng kỳ nhưng ở quý cuối cùng sẽ đạt được kết quả cao, vì nhiều ngân hàng đã tập trung vào kiểm soát rủi ro khi trích lập dự phòng rất nhiều so với mức cần thiết ở 3 quý đầu năm và sau khi đánh giá mọi thứ đều ổn, họ có thể mạnh dạn hoàn nhập khoản dự phòng đó, giúp kết quả kinh doanh quý 4 có sự đột biến và đạt được mục tiêu lợi nhuận” - ông Hiếu cho hay.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, phát hành ngày 04/10/2023, của CTCK VPBank (VPS) cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% trong khi 9 tháng chỉ mới đạt 6.92% thì các tổ chức tín dụng vẫn cần rất nhiều nỗ lực mới có thể đạt được các chỉ tiêu ngành. “Từ giờ đến cuối năm chỉ còn 1 quý và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngành còn nửa quãng đường để hoàn thành. Như vậy, khả năng cao Chính phủ sẽ đưa ra một số chính sách nữa để bình ổn tỷ giá và kích thích tín dụng từ giờ đến cuối năm” - báo cáo thể hiện.

Trước đó, báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng, phát hành ngày 14/08, của CTCK MB (MBS) cũng dự báo tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023, dựa trên một số yếu tố tích cực gồm: Thứ nhất, xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa. Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8%… sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/07, NHNN đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại lên mức 11 - 24%.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm phân tích của MBS, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm. Một số ngân hàng thương mại đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. Cũng theo khảo sát vừa qua của NHNN, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, các tổ chức có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Vì vậy, MBS cho rằng, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp sẽ là những ngân hàng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào cuối năm hơn.

Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2023, cho thấy: các ngân hàng thương mại được khảo sát đã đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể sẽ cải thiện hơn trong quý 4/2023. Các lý do được liệt kê cho kỳ vọng này gồm tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, dẫn tới nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Đa số các ngân hàng vẫn lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2023, với tỷ lệ 82.6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 sẽ tăng trưởng dương so với năm 2022. 13.8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3.7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Về tín dụng, các tổ chức này dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4.6% trong quý 4/2023 và cả năm tăng 12.3%. Theo các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng trong quý 4 sẽ được cải thiện khi nền kinh tế có những chuyển biến tích cực hơn và ngành sản xuất, xuất khẩu đang dần phục hồi.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   PCH: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (24/11/2023)

>   PCH: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

>   PCH: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

>   APF: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

>   MB được bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 (24/11/2023)

>   ELC: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do tăng vốn (24/11/2023)

>   “Vua tôm” Minh Phú chuẩn bị làm nhà ở xã hội gần 633 tỷ đồng (24/11/2023)

>   DLM: CBTT v/v ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 (24/11/2023)

>   TCI: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (24/11/2023)

>   DTD: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (24/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật