Chủ Nhật, 03/12/2023 09:12

SCIC chuẩn bị thoái hết gần 60% vốn tại Phim truyện I

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chuẩn bị thực hiện chào bán cạnh tranh toàn bộ 840,910 cp,tương ứng 59.95% vốn tại CTCP Phim truyện I cho nhà đầu tư trong nước.

Toàn bộ số cổ phần này sẽ được gom lại thành một lô duy nhất và chào bán với giá khởi điểm gần 8.9 tỷ đồng, bước giá 1 triệu đồng/lô cổ phần. Nhà đầu tư sẽ đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán cạnh tranh bằng VNĐ.

Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8h30 ngày 28/11 đến chậm nhất 16 giờ ngày 18/12/2023. Đồng thời, phải nộp phiếu tham dự chào bán cạnh tranh chậm nhất 8h30 ngày 26/12/2023 tại CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI), PSI cũng sẽ là bên tổ chức tư vấn cho thương vụ này.

Về thời gian tổ chức chào bán, SCIC dự kiến sẽ thực hiện hào bán bắt đầu từ 9h ngày 26/12/2023. Thời gian nộp tiền mua cổ phần và hoàn trả tiền cọc đều diễn ra từ 26/12/2023 đến 02/01/2024.

SCIC cho biết mục đích của việc thoái vốn lần này nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp mà không cần giữ cổ phần. Đông thời, giúp cho SCIC có thêm nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư khác.

CTCP Phim truyện I tiền thân là Hãng phim truyện I, chính thức được thành lập vào ngày 05/03/1990. Năm 2010, Hãng phim truyện I chuyển đổi thành CTCP Phim truyện I, với gần 60% vốn của Nhà nước, là đơn vị cổ phần hóa đầu tiên của ngành điện ảnh. Công ty có trụ sở tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Tính đến 30/06/2023, Phim truyện I có vốn điều lệ hơn 14 tỷ đồng, với ba cổ đông lớn bao gồm SCIC sở hữu 59.95%, ông Trần Như Hưng - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 15.54% và bà Nguyễn Hồng Phương Lan sở hữu 5.31%. Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Phương.

Với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và các chương trình truyền hình, Phim truyện I được nhiều người biết thông qua các bộ phim truyện điện ảnh như “Lính chiến”, “Phượng cháy”, “Miền núi và hải đảo”, “Tình yêu vô tình”, hay mới đây là “Đào, Phở, Piano”…

Phim truyện I hiện có ba chi nhánh nhưng có đến hai trong số đó đang hoàn thiện thủ tục giải thể. Đầu tiên, trung tâm hỗ trợ Công nghệ và dịch vụ điện ảnh, có cùng địa chỉ với Công ty, được thành lập từ năm 2017 nhưng hiện nay đang tạm dừng hoạt động và thực hiện thủ tục giải thể. Thứ hai, chi nhánh CTCP Phim truyện I có địa chỉ tại khu điện ảnh, lô A2 Kha Vạn Cân, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TPHCM. Chi nhánh cũng được thành lập từ năm 2017 và hiện tại cũng đang hoàn thiện thủ tục giải thể. Thứ ba, chi nhánh CTCP phía Nam có địa chỉ tại 443/170 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TPHCM. Được thành lập và hoạt động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ Công ty khi có đoàn phim vào phía Nam ghi hình hoặc làm hậu kỳ.

Về tình hình kinh doanh, Phim truyện I đang dần lấy lại sự tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn. Năm 2020, Công ty chỉ ghi nhận gần 5 tỷ đồng doanh thu thuần và không có bất kỳ động lợi nhuận nào, một phần do việc phê duyệt kinh phí của dự án chậm làm ảnh hưởng đến việc triển khai sản xuất bộ phim “Phượng cháy” do Cục điện ảnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng, một phần Công ty cũng chịu ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội theo chỉ thị phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến hoạt động sản xuất tạm ngưng. Sang năm 2021, Công ty thậm chí bị lỗ ròng 9.2 triệu đồng do thu không đủ bù chi, đặc biệt là khoản giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Đến năm 2022, tình hình khởi sắc khi Công ty ghi nhận 13.1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, nhờ hoàn thành sản xuất bộ phim “Phượng cháy” theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Trong năm này, Công ty cũng thực hiện giai đoạn I quay tiền kỳ phim truyện điện ảnh “Đào, Phở và Piano” và thực hiện hai số chương trình băng hình miền núi do Cục điện ảnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng. Kết thúc năm 2022, Công ty có lãi trở lại, đạt 25.3 triệu đồng.

Tổng tài sản cuối năm 2022 ở mức 15.1 tỷ đồng, tăng gần 17%; trong đó có đến 10.4 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu từ đối tác là Cục điện ảnh, bao gồm 10 tỷ đồng phải thu mới phát sinh liên quan đến dự án phim “Đào, Phở và Piano” và 380 triệu đồng phải thu tồn động từ năm trước liên quan đến dự án phim “Cảnh sát biển đảo”. Có thể thấy, dù kinh doanh khởi sắc, nhưng phần lớn doanh thu vẫn nằm ở tình trạng phải thu.

Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu 20 tỷ đồng doanh thu thuần và 30 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 24% và 16% so với thực hiện năm 2022.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Vượt qua Vinachem, một doanh nghiệp liên quan Chủ tịch nắm hơn 50% vốn SRC (03/12/2023)

>   CAB thoái toàn bộ vốn khỏi Thể thao VTVcab (02/12/2023)

>   Vì sao Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn muốn thoái sạch 32 triệu cp Chứng khoán Everest? (02/12/2023)

>   SCIC đề nghị VinaCapital xem xét mua cổ phần một số doanh nghiệp chuẩn bị thoái vốn (02/12/2023)

>   Cổ đông lớn liên tiếp “xả” cổ phiếu PRT sau 5 năm bị hạn chế (02/12/2023)

>   YEG: Thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (01/12/2023)

>   Cổ đông lớn sang tay 4 triệu cp DM7 (02/12/2023)

>   EVF: Báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng ra công chúng (01/12/2023)

>   Tổng Giám đốc TDG muốn thoái gần 50% cổ phiếu đang nắm giữ (01/12/2023)

>   SSB: Thông báo giao dịch mua ESOP của người nội bộ Nguyễn Thị Hoài Phương (01/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật