Thứ Ba, 12/12/2023 10:42

Pacific Airlines lỗ hơn 2,000 tỷ năm 2022

Pacific Airlines là một phần nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ hơn 11,000 tỷ đồng của Vietnam Airlines (HOSE: HVN). Hiện hãng hàng không quốc gia đang nắm giữ 98% cổ phần tại Pacific Airlines sau khi được Qantas Group tặng lại 30% cổ phần hồi năm 2020.

Vietnam Airlines lỗ ròng sau kiểm toán hơn 11,200 tỷ đồng trong năm 2022, đánh dấu 3 năm lỗ liên tiếp và vi phạm tiêu chí niêm yết trên HOSE. Phần lớn khoản lỗ đến từ các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines, trong khi các công ty con chuyên cung cấp dịch vụ hàng không lại có kết quả khả quan.

Ba hãng hàng không liên quan đều lỗ

Trong đó, số liệu công ty mẹ cho thấy hãng hàng không Vietnam Airlines lỗ gần 8,900 tỷ đồng, chiếm phần lớn khoản lỗ của cả tập đoàn.

Sau khi được các cổ đông Qantas Group tặng 30% cổ phần, Vietnam Airlines hiện đang nắm giữ 98% cổ phần tại hãng hàng không Pacific Airlines.

Tương tự, Pacific Airlines ghi nhận doanh thu gần 3,500 tỷ đồng và lỗ trước thuế gần 2,100 tỷ đồng trong năm 2022 (giảm lỗ hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính là thị trường hàng không quốc tế không hồi phục như kỳ vọng, trong khi chi phí nhiên liệu leo thang và tỷ giá biến động mạnh.

Là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, Vietnam Airlines đang tìm cách thoái vốn khỏi Pacific Airlines, nhưng đang gặp khó khăn. “Việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật”, hãng hàng không quốc gia cho biết cách đây hơn 1 năm.

Một hãng hàng không khác có liên quan là Cambodia Angkor Air - công ty liên doanh giữa Vietnam Airlines và Chính phủ Campuchia được thành lập năm 2009 - cũng lỗ 10.26 triệu USD trong năm 2022, giảm lỗ 7.4 triệu so với năm trước. Điều này là do thị trường nguồn của K6 là Trung Quốc mở cửa chậm hơn so với dự kiến và các khoản chi phí nhiên liệu, tỷ giá tăng mạnh.

Trước đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành chuyển nhượng 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air và còn sở hữu 14% tại cuối năm 2022. Dự kiến, Vietnam Airlines cũng sẽ thoái vốn tại hãng hàng không này.

Phần lớn công ty con đều có lãi

Trong khi đó, bức tranh của các công ty con còn lại trong Vietnam Airlines đều có kết quả khả quan, trong đó 3 cái tên đáng chú ý nhất là TCS, NCTS và Skypec.

Các công ty con và công ty liên kết của Vietnam Airlines
(trừ các hãng hàng không)

Mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Vietnam Airlines trong năm 2022 là TCS – một công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hoá cho các chuyến bay quốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó Vietnam Airlines sở hữu 55% vốn điều lệ.

Đến năm 2022, TCS đã ký hợp đồng với 1 hãng hàng không mới là Myanmar Airway International (8M), nâng tổng số hãng hàng không thường lệ mà TCS đang phục vụ là 26 hãng, và giữ vững thị phần dẫn đầu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu của TCS đạt 916 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 550 tỷ đồng, ROE đạt 425%.

NCTS cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho Vietnam Airlines. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp, giữ vị trí hàng đầu tại khu vực phía Bắc, trong đó Vietnam Airlines sở hữu 55.13% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, NCTS đã ký thêm hợp đồng với 7 hãng hàng không mới khai thác đến sân bay Nội Bài, nâng tổng số hãng hàng không NCTS đang phục vụ là 34 hãng. NCTS đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí để giữ vững hiệu quả hoạt động với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 754 tỷ đồng, LNTT đạt 297 tỷ đồng, ROE đạt 90.6%.

Kế đó là Skypec với khoản lợi nhuận trước thuế 281 tỷ đồng trong năm 2022 và ROE khoảng 35%. Đây là công ty chuyên cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế với hệ thống kho chứa trên 210,000 m3, mạng lưới hoạt động tại 18 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, Skypec cùng Petrolimex Aviation (thuộc Tập đoàn Petrolimex) hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước.

Trước đây, hãng hàng không quốc gia từng có ý định bán lại Skypec như một phần trong quá trình tái cấu trúc tập đoàn, nhưng lại gặp rào cản lớn từ Chính phủ.

Cuối tháng 6/2023, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines chuyển Skypec về PVN. Chính phủ cho biết phương án này nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   PTG: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 (12/12/2023)

>   VEA: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc ký hợp đồng mua bán thép tròn cán nóng với CTCP Phụ tùng Máy số 1 (Lần 2) (12/12/2023)

>   SDV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (12/12/2023)

>   SDV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (12/12/2023)

>   VEA: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc ký hợp đồng thuê kho với CTCP Cơ khí Cổ Loa (Lần 2) (12/12/2023)

>   Tập đoàn CIENCO4 góp vốn thành lập công ty cảng hàng không (12/12/2023)

>   FLC chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, một thành viên BKS từ nhiệm (12/12/2023)

>   Bamboo Airways đặt mục tiêu khai thác 15-18 chiếc tàu bay trong năm 2024 (11/12/2023)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 07/12/2023 (11/12/2023)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 10/12/2023 (11/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật