Hoa Sen góp vốn lập công ty mới để đầu tư các bất động sản trị giá 1,000-3,000 tỷ
Với bước đi mới, hãng tôn mạ top đầu Việt Nam ngày càng dấn sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản.
Ngày 26/12, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa thông qua nghị quyết góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn. 60% còn lại đến từ các cổ đông sáng lập khác.
Công ty mới chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hướng tới các bất động sản trị giá 1,000-3,000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở. Từ đó, có thể sử dụng làm văn phòng cho Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng.
Hoa Sen sẽ bắt đầu góp vốn vào CTCP Hoa Sen Sài Gòn từ tháng 1/2024 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Hãng tôn mạ này cũng lưu ý rằng nếu các cổ đông khác chưa kịp thu xếp vốn để đầu tư cho dự án, Hoa Sen sẽ tạm ứng kinh phí và/hoặc bảo lãnh cho các khoản cho vay của các cổ đông ở các ngân hàng.
"Sau khi góp vốn thành lập công ty mới, nếu tình hình diễn biến thị trường thay đổi hoặc Tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư thì Hoa Sen sẽ chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho các cổ đông hiện hữu của CTCP Hoa Sen Sài Gòn, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị ban đầu cộng với khoản lãi tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng", Hoa Sen cho biết trong nghị quyết.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HSG tăng hơn 1% sau thông tin trên, nối dài chuỗi tăng mạnh kể từ giữa tháng 12.
Diễn biến giá cổ phiếu HSG từ đầu tháng 12/2023 |
|
Đây không phải là lần đầu tiên ông lớn tôn mạ hàng đầu Việt Nam rót vốn sang bất động sản. Hoa Sen đã lấn sân sang ngành này từ năm 2009, nhưng hành trình đầu tư cũng rất gập ghềnh và chưa mang lại nhiều dấu ấn.
Hơn 1 thập kỷ đầu tư bất động sản
Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP HCM); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.
Nhưng chỉ 2 năm sau đó, HSG bất ngờ tuyên bố rút khỏi các mảng phụ để tập trung cho mảng thép. Công ty chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang.
Nhưng tham vọng bất động sản của Hoa Sen chưa dừng lại ở đó. Năm 2016, hãng tôn mạ trở lại lĩnh vực đầy tiềm năng này, với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.
Nhưng bổn cũ soạn lại, 2 năm sau đó Công ty lại chấm dứt hoạt động của Hoa Sen Hội Vân, với việc chấm dứt triển khai Dự án Khu du lịch suối nước nóng Hoa Sen Hội Vân tại Phù Cát, Bình Định và Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hoa Sen Quy Nhơn cũng rơi vào số phận tương tự sau khi Hoa Sen rút khỏi dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Trong báo cáo kiểm toán NĐTC 2022-2023 vừa công bố, ông lớn tôn mạ chỉ còn sở hữu 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là CTCP Hoa Sen Yên Bái. Hồi tháng 2/2023, công ty đã góp thêm 81 tỷ đồng cho Hoa Sen Yên Bái để triển khai dự án.
Các công ty con của HSG
Nguồn: BCTC kiểm toán NĐTC 2022-2023
|
Một công ty bất động sản khác cũng có liên quan tới các lãnh đạo Hoa Sen là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (HSH). Đây là công ty đứng sau dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen rộng 99 ha tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai.
Theo công bố thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 17/03/2022 cho thấy, người đại diện theo pháp luật của HSH bao gồm 3 cá nhân: Ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch); ông Hồ Văn Thành (Phó Tổng giám đốc); ông Lê Hữu Hùng (Phó Tổng giám đốc). Trong đó, ông Vũ hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen.
Nhưng cũng lưu ý rằng dù đã rót vốn đầu tư bất động sản trong hơn 1 thập kỷ qua, nhưng dấu ấn của Hoa Sen ở lĩnh vực này vẫn chưa nhiều.
Vũ Hạo
FILI
|