Thứ Tư, 13/12/2023 13:32

Đã từng có một DongABank như thế… trước khi bị kiểm soát đặc biệt

DongABank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và đến nay vẫn chưa có phương án xử lý, các vấn đề tài chính vẫn còn tồn đọng. Đây hẳn là đoạn kết buồn cho ngân hàng từng nằm trong top 10 hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trong văn bản Kiểm toán Nhà nước gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả kiểm toán đến 30/09/2023 cho thấy, phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, kéo dài từ năm 2015 đến nay. Việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc (GPBank, Oceanbank và CBBank) chỉ mới ở giai đoạn được Chính phủ phê duyệt chủ trương và DongABank mới được phê duyệt. Tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn còn rất khó khăn: Nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Câu chuyện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã gần 10 năm vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ luôn xem đây là một trong những mục tiêu phải xử lý, giúp lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng.

Tính đến nay, có 5 ngân hàng thuộc diện yếu kém: 3 ngân hàng bị mua lại bắt buộc (GPBank, Oceanbank, CBBank) và 2 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt (DongABankSCB).

Câu chuyện bà Trương Mỹ Lan và các “chân rết” liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt 304,000 tỷ đồng thông qua 1,284 khoản vay tại SCB làm dậy sóng dư luận thời gian qua. Hậu quả làm cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 15/10/2022.

Còn DongABank thì sao?

Ngày 13/08/2015, DongABank bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của Ngân hàng.

Đến tháng 12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C46) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc DongABank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến DongABank được chia thành 2 giai đoạn, bị khởi tố và xét xử từ năm 2017-2022.

Ở giai đoạn 1, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3,600 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 2, ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm bị đưa ra xét xử vì gây thiệt hại cho DongABank hơn 8,827 tỷ đồng, thông qua hành vi phạm tội: Lập ra các công ty nhưng không hoạt động trên thực tế, “vẽ” ra các tài sản đảm bảo hoặc nâng khống tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp trái quy định.

Trước khi bị kiểm soát đặc biệt, âm vốn chủ sở hữu và có khả năng mất thanh khoản, DongABank từng là một trong những ngân hàng đầy tiềm năng tăng trưởng.

Số liệu tài chính gần nhất trên website được DongABank công bố minh bạch là báo cáo tài chính năm 2014 và cuộc họp gần nhất là ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 10/2019, sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt.

DongABank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/07/1992 với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, 56 cán bộ nhân viên, 3 phòng ban nghiệp vụ.

Giai đoạn 1997-2001, khi các phương thức thanh toán ngân hàng mới ở bước đầu định hình, DongABank đã trở thành thành viên chính thức Mạng thanh toán toàn cầu (SWIFT), thành lập Công ty kiều hối Đông Á. Trung tâm thẻ DongABank cũng ra đời trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2002-2007, con số 2 triệu khách hàng sử dụng thẻ đa năng giúp DongABank trở thành ngân hàng TMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam. DongABank tiên phong triển khai thêm 2 kênh giao dịch: Ngân hàng Đông Á tự động và Ngân hàng Đông Á điện tử.

Năm 2007, DongABank tạo ra làn sóng tiên phong của ngân hàng tự động khi nhận Kỷ lục Guiness với dòng máy ATM TK21 - nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong một lần gửi. Chưa hết, năm 2012, chứng nhận kỷ lục Guiness dành cho máy bán vàng đầu tiên tại Việt Nam cũng đã được Trung tâm sách kỷ lục quốc gia trao cho DongAbank.

Giai đoạn 2008-2012, DongABank đã sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại. Số máy ATM lên đến 1,400 đơn vị, 1,500 máy POS.

Hiện tại, ông Nguyễn Thanh Tùng được NHNN chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT DongABank kể từ ngày 02/08/2022, sau thời gian giữ chức vụ thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn An được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc DongABank sau thời gian giữ chức Quyền Tổng Giám đốc.

Việc NHNN chỉ định ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT DongABank và HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn An giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc DongABank diễn ra trong bối cảnh phương án tái cơ cấu của DongABank đã được các cấp có thẩm quyền thông qua, thống nhất về chủ trương, tình hình hoạt động kinh doanh, công tác quản lý điều hành của ngân hàng thời gian qua ổn định, an toàn, tránh và giảm thiểu được các nguy cơ rủi ro.

Mặc dù vậy, nhìn lại giai đoạn đầu phát triển, ông Trần Phương Bình vẫn được xem là người đặt nền móng và gắn bó với DongABank. Năm 1998, ông Trần Phương Bình giữ chức vụ Tổng Giám đốc DongABank kiêm Phó Chủ tịch HĐQT cho đến khi bị miễn nhiệm vào năm 2015.

Dưới thời Tổng Giám đốc Trần Phương Bình, DongABank vẫn tăng vốn điều lệ đúng pháp luật từ con số 20 tỷ đồng thời điểm mới thành lập lên 5,000 tỷ đồng vào năm 2014.

Trong ĐHĐCĐ thường niên cuối cùng được tổ chức vào năm 2015, DongABank trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10,000 tỷ đồng thông qua 3 đợt.

Nguồn: VietstockFinance

Dựa trên các số liệu tài chính công bố, có thể thấy quy mô tổng tài sản của DongABank tăng trưởng liên tục, đạt 87,108 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2014 và vẫn thuộc top trên của hệ thống ngân hàng thời điểm đó.

Nguồn: VietstockFinance

Nguồn: VietstockFinance

Giai đoạn đỉnh cao của DongABank là năm 2011, khi đạt lợi nhuận trước thuế 1,265 tỷ đồng, đứng thứ 9 trong hệ thống ngân hàng (chưa bao gồm Agribank) lúc bấy giờ.

Nguồn: VietstockFinance

Cần phải điểm lại 2008-2010 là giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây là giai đoạn các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng… hứa hẹn mang lại khả năng sinh lợi khủng nên đa phần các ngân hàng đều đầu tư vào các kênh này. Nhưng việc cho vay ồ ạt trong giai đoạn đó đã để lại nhiều hệ lụy, trong đó có việc gia tăng nợ xấu trong giai đoạn 2011-2013.

Trong cáo trạng khởi tố ông Trần Phương Bình giai đoạn 2 cũng có phần nêu rõ, thiệt hại 9,640 tỷ đồng mà bị cáo này gây ra cho DongABank có phần liên quan đến việc nhận thế chấp trái phép dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại lô đất "vàng" số 2 Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) vào năm 2011.

Không vượt qua được khủng hoảng, hơn ngàn tỷ đồng lợi nhuận của DongABank bay màu, chỉ còn 35 tỷ đồng sau 3 năm, đưa vị thế ngân hàng này về áp chót.

Nguồn: VietstockFinance

Giải thích cho kết quả kinh doanh năm 2014, nguyên Tổng Giám đốc Trần Phương Bình từng cho biết, lợi nhuận khiêm tốn do phải tập trung mọi nguồn lực để trích lập dự phòng khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm 2015 cũng được dành phần lớn để trích lập dự phòng rủi ro.

Nợ xấu cũng là một trong những vấn đề nổi cộm của DongABank. Theo BCTC hợp nhất, tỷ lệ nợ quá hạn tại DongABank đến 30/09/2014 là gần 6,946 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng dư nợ.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2014 của DongABank

Lần gần nhất DongABank tiếp xúc với cổ đông là vào ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, được tổ chức nhằm trình phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ.

Trong Đại hội, ông Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongABank chia sẻ kết quả kiểm toán nhằm xác định thực trạng tài chính của Ngân hàng tại ngày 31/12/2018.

Theo kết quả kiểm toán của EY, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongABank có lỗ luỹ kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm DongABank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3,000 tỷ đồng, Ngân hàng phải bổ sung vốn điều lệ nhằm đảm bảo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 đã không thông qua phương án chào bán cổ phần.

Trong thông cáo gần nhất thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, DongABank cho biết tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63,450 tỷ đồng, tăng 4.3% so với đầu năm 2019. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50,903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4.8% so đầu năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1,870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến tháng 6/2019 thu được 16,350 tỷ đồng. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20.78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77.98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với VND đạt 83.77%.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có những đánh giá về công tác xử lý các ngân hàng yếu kém.

Trong năm 2022, NHNN đã triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Theo NHNN, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa qua, lãnh đạo một số ngân hàng gồm Vietcombank, VPBank, MB và HDBank đều hé lộ thông tin về việc thực hiện các thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, số phận ngân hàng yếu kém nào về tay ngân hàng nào chính xác vẫn chưa được thông báo chính thức.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Cùng VIB đón chờ sự kiện âm nhạc ngoài trời lớn nhất năm The Masked Singer All-Star Concert (08/12/2023)

>   Thanh khoản hệ thống ngân hàng cuối năm vẫn dư thừa vì đâu? (27/11/2023)

>   Đề xuất xây dựng luật riêng về ngân hàng chính sách (24/11/2023)

>   Lãi suất cho vay bao giờ mới giảm mạnh? (22/11/2023)

>   Những con số khổng lồ trong cuộc ‘khuynh đảo’ ngân hàng SCB của Vạn Thịnh Phát (20/11/2023)

>   Từ kết quả kinh doanh quí 3 của các ngân hàng… (19/11/2023)

>   Những điểm ‘hợp lý’ trong bức tranh lợi nhuận ‘tối màu’ của nhà băng (14/11/2023)

>   Tổng số thu ngân sách trung ương năm 2024 sẽ hơn 852.600 tỉ đồng (11/11/2023)

>   Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu là 20% (09/11/2023)

>   Bộ tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ (08/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật