Cổ đông lớn của SaigonBank muốn thoái vốn tại Chứng khoán SaigonBank Berjaya
Du lịch Thương mại Kỳ Hòa - cổ đông lớn tại SaigonBank đăng ký bán đấu giá toàn bộ vốn đang sở hữu tại Chứng khoán SaigonBank Berjaya.
Bán đấu giá cổ phiếu giá khởi điểm 10,200 đồng/cp
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo về việc đăng ký bán đấu giá cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa đầu tư tại CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya.
Cụ thể, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sẽ bán đấu giá 4 triệu cp SBBS với giá khởi điểm 10,200 đồng/cp (cao hơn 2% so với mệnh giá). Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 28/12/2023.
Ước tính theo giá khởi điểm, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sẽ thu về gần 41 tỷ đồng từ đợt đấu giá này.
Lượng cổ phiếu trên là toàn bộ số cổ phiếu Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sở hữu tại SBBS, tương ứng 13.33% vốn.
Tại thời điểm 30/09/2023, SBBS có loạt cổ đông lớn khác gồm Inter Pacific Securities Sdn Bhd sở hữu 13.33% vốn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, UPCoM: SBG) sở hữu 11%, bà Nguyễn Thị Hương Giang sở hữu 40.22% vốn.
Cơ cấu cổ đông của SBBS
Nguồn: SBBS
|
Đáng chú ý, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cũng là cổ đông lớn tại SaigonBank. Tại ngày 12/10/2020, tổ chức này nắm 16.35% vốn và không phát sinh giao dịch trong các năm gần đây.
SBBS được thành lập bởi Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia), SaigonBank, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và một số cổ đông vào năm 2008. Trong đó, Tập đoàn Berjaya nắm giữ 49% thông qua Inter Pacific Securities Sdn Bhd.
Nhờ tiềm lực của đối tác ngoại, Chứng khoán Saigonbank Berjaya với vốn điều lệ 300 tỷ đồng năm 2008 đã tạo vị thế trong ngành thời điểm đó. Song, bước ngoặt đến với Công ty khi mang 210 tỷ đồng gửi tại VietinBank năm 2011 và bị “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Tháng 7 năm nay, Công ty đã được một cổ đông mới thâu tóm. Cổ đông lớn, người nội bộ của SBBS gồm có Inter Pacific Securities Sdn Bhd (chuyển nhượng 35.67%), ông Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (6.81%) và ông Phương Anh Phát - Thành viên Ban Kiểm soát (4.55%) cũng đã chuyển nhượng lượng vốn lớn cho đối tác.
Sau đợt biến động cổ đông, ông Nguyễn Hoài Nam đã từ nhiệm Chủ tịch HĐQT SBBS. Hai lãnh đạo khác cũng rút khỏi Ban Kiểm soát là ông Phương Anh Phát và ông Tan Mun Choy.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang
|
Người thâu tóm lượng lớn cổ phần trên là bà Nguyễn Thị Hương Giang. Bà Giang sinh năm 1983, từng làm Giám đốc khối cổ phiếu niêm yết của VinaCapital (2006 - 2013), Giám đốc khối tư vấn doanh nghiệp Chứng khoán SSI (2014 - 2019), Phó Tổng Giám đốc Ban đầu tư Sovico Group (2019 - 2021). Bà Giang còn là sáng lập của ứng dụng đầu tư tài chính Tititada.
Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức tháng 11 vừa qua, bà Giang đã được bầu làm Thành viên HĐQT của SBBS thay thế cho ông Nguyễn Hoài Nam.
Bất đồng về việc sửa đổi điều lệ công ty
Biên bản cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ghi nhận có 14 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 28 triệu cp, tương ứng 93.75% vốn Công ty.
Tuy nhiên, ý kiến trái chiều xuất hiện ngay từ khi biểu quyết thông qua chương trình, cổ đông nắm giữ 30.26% cổ phần biểu quyết dự họp bỏ phiếu không tán thành. Nguyên nhân cốt lõi đến từ việc sửa đổi bổ sung điều lệ của SBBS.
Chủ tọa cuộc họp ông Phạm Hoài Nam - Thành viên HĐQT cho biết, cuộc họp HĐQT ngày 03/10 thống nhất tổ chức đại hội bất thường miễn nhiệm một thành viên HĐQT và hai thành viên ban kiểm soát, không đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung điều lệ.
“Việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại điều lệ SBBS, HĐQT đã có nhiều phiên họp nhưng chưa thống nhất thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể”, biên bản nêu phát biểu của ông Nam.
Ông Nam lập luận, để đảm bảo sự công bằng đối với mọi cổ đông, đại hội chỉ biểu quyết thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung điều lệ. Việc sửa đổi các nội dung chi tiết sẽ giao HĐQT xem xét, thẩm định kỹ và trình đại hội quyết định.
Ông Phạm Trí Hiếu - Thành viên HĐQT SBBS đồng tình với quan điểm của ông Nam.
Ở phía ngược lại, bà Giang - cổ đông lớn cho biết, việc sửa đổi dựa trên quy định hiện hành và đã gửi cho ban tổ chức hai tuần theo đúng quy định. Ông Kuok Wee Kiat, đại diện ủy quyền của cổ đông Inter Pacific Securities đồng ý với bà Giang.
Tuy có ý kiến không tán thành, đại hội vẫn được tiến hành do đủ điều kiện.
Liên quan tới việc sửa đổi điều lệ, đại diện của cổ đông Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nêu ý kiến rằng, việc sửa đổi điều lệ cần thời gian để nghiên cứu thêm, đại diện tham gia cuộc họp phải xin ý kiến của hội đồng thành viên mới có thể thông qua được. Do đó, tại đại hội, vị đại diện cho biết chỉ tán thành chủ trương thay đổi.
Một cổ đông cá nhân đưa ý kiến rằng việc sửa đổi điều lệ là cần thiết, các cổ đông có đề xuất có thể đưa vào nội dung của đại hội thường niên sắp tới.
Tuy nhiên, với tỷ lệ tán thành 69.76%, nội dung sửa đổi điều lệ của SBBS đã được thông qua.
Trong những phần sau đó, nội dung miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát được bỏ phiếu với tỷ lệ tán thành 100%. Ở phần bầu cử, bà Giang vào HĐQT với tỷ lệ bầu 69.76%, ông Trần Duy Long và bà Nguyễn Hoàng Khánh Vy vào Ban Kiểm soát có cùng tỷ lệ trúng cử lần lượt 69.53% và 69.96%.
Kết thúc đại hội, dù có ý kiến đối lập, nhóm cổ đông lớn vẫn đạt được mục đích khi các nội dung cuộc họp đều được thông qua.
Yến Chi
FILI
|