Chứng khoán ASAM muốn huy động hơn 112 tỷ từ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược
CTCP Chứng khoán ASAM (SJCS) dự kiến chào bán riêng lẻ 9.37 triệu cp cho 11 nhà đầu tư với giá 12,000 đồng/cp.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 ngày 27/12/2023 của Chứng khoán ASAM, đại hội đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Số lượng chào bán là 9.37 triệu cp, tương đương 46.16% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Với giá chào bán 12,000 đồng/cp, ước tính ASAM thu về hơn 112 tỷ đồng. Sau khi chào bán, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 93.7 tỷ đồng, từ 203 tỷ đồng lên 296.7 tỷ đồng.
Trong danh sách 11 nhà đầu tư, Asam Asset Management Co., Ltd - cổ đông lớn - dự kiến được phân phối 2.35 triệu cp, qua đó nâng sở hữu lên gần 10.9 triệu cp (tỷ lệ 36.63%). Cổ đông khác là Oh Seung Lok dự kiến được phân phối thêm 780 ngàn cp, tỷ lệ sở hữu sau phân phối là 4.65%. Còn lại 9 nhà đầu tư không sở hữu cổ phiếu ASAM trước đợt chào bán.
Danh sách nhà đầu tư được phân phối cổ phiếu
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ASAM
|
Các nhà đầu tư được lựa chọn theo các tiêu chí: có năng lực tài chính, có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của ASAM; có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của Công ty, có uy tín, có thể hỗ trợ ASAM trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ và áp dụng công nghệ hiện đại. Sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của ASAM, nhà đầu tư chiến lược và người có liên quan không được sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại bất kỳ công ty chứng khoán nào khác tại Việt Nam; có cam kết hợp tác với Công ty trong thời gian ít nhất 3 năm.
Số cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024, sau khi có thông báo chấp thuận của UBCKNN.
Về phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được phân bổ 80% bổ sung nguồn vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, 20% còn lại dùng đầu tư nâng cấp nền tảng giao dịch và các hoạt động kinh doanh hợp pháp của Công ty.
Song song đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua 2 nội dung quan trọng khác là vay vốn và mua trái phiếu BAFH2225002 cũng như trái phiếu CMXH2326001.
Đối với việc vay vốn, Công ty muốn vay tối đa 90 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty. Khoản vay có thể được cấp 1 lần hoặc nhiều lần bởi ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc bất kỳ bên thứ 3 nào; khoản vay có thể được bảo lãnh bởi Chủ tịch HĐQT, hoặc được bảo đảm bằng hình thức khác hoặc khoản vay không được bảo đảm bằng bất kỳ tài sản đảm bảo nào. Thời gian thực hiện trong năm 2023, 2024, 2025.
Đối với nội dung mua trái phiếu, Công ty muốn mua trái phiếu mã BAFH2225002 và CMXH2326001, giá trị tối đa mỗi lô là 65 tỷ đồng, đáp ứng tiêu chí tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của Công ty không vượt quá 70% vốn chủ sở hữu.
Cuối cùng, ĐHĐCĐ thông qua sửa đổi điều lệ Công ty, điều chỉnh điểm a Khoản 2 Điều 17 và bỏ điểm g Khoản 1 Điều 24 của Điều lệ Công ty, do Chứng khoán ASAM không phải là công ty đại chúng.
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của ASAM, đã lược bỏ nội dung song ngữ (tiếng Anh).
|
Kha Nguyễn
FILI
|