Thứ Sáu, 01/12/2023 13:03

Cà phê vẫn “đắng” trong quý 3/2023

Lại thêm một kỳ kinh doanh mà các doanh nghiệp cà phê trên sàn chứng khoán lại tiếp tục ngậm vị “đắng”.

Theo dữ liệu VietstockFinance ghi nhận từ BCTC quý 3/2023 của 5 doanh nghiệp cà phê trên sàn chứng khoán, tổng lỗ trong kỳ là hơn 6 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm gần 3 tỷ đồng. Chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp có lãi trong quý 3, còn lại 4 doanh nghiệp đều thua lỗ.

Sau 9 tháng, 5 doanh nghiệp lỗ ròng lên đến 17 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 13.1 tỷ đồng.

Quý 3/2023, lỗ lớn nhất là Cà phê Gia Lai (FGL) với hơn 3 tỷ đồng. 3 năm gần đây, tính từ năm 2020, FGL luôn lỗ, trừ quý 4/2021 lãi được 9.6 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, FGL lỗ 9.5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 9.2 tỷ đồng.

FGL cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Công ty vẫn chưa thu được doanh thu bán cà phê nhân xô, do thời gian thu hoạch cà phê nhân xô của Công ty từ tháng 10 - 12/2023. Trong khi, toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp gần 3.8 tỷ đồng và chi phí tài chính (lãi vay các hợp đồng vay vốn cá nhân và doanh nghiệp) 5.7 tỷ đồng kết chuyển vào lỗ. Mặt khác, Công ty cũng không có doanh thu bán chuối do dự án kém hiệu quả và đã thanh lý từ cuối năm 2022.

Cà phê Thắng Lợi (CFV) có quý lỗ đầu tiên trong năm với 1.8 tỷ đồng, khi doanh thu trong kỳ rơi đến một nửa - còn chưa đầy 85 tỷ đồng. Công ty cho biết, giá cà phê trong nước tăng đột biến, việc thu mua cà phê gặp trở ngại, dẫn đến lượng hàng xuất khẩu giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng 724 triệu đồng, giảm 61%.

CFV thời gian qua gặp mâu thuẫn với người nhận khoán. Ngày 17/08/2023, đại diện người nhận khoán (khoán vườn cây) tại CFV đã tập trung kiến nghị xác định nguồn gốc của 616.4 ha đất mà bà con đang liên kết với Công ty; đồng thời, người dân nhận khoán có nguyện vọng muốn Công ty bàn giao lại phần đất này về cho địa phương quản lý. Sau đó, địa phương xem xét cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để người dân yên tâm sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước.

Người nhận khoán cũng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, do cho rằng quá trình cổ phần hóa công ty có nhiều điểm chưa được công khai, minh bạch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận khoán... Ngày 14/09, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, thanh tra toàn diện CFV.

Trở lại với kết quả kinh doanh, Cà phê Phước An (CPA) là doanh nghiệp tiếp theo trong danh sách lỗ quý 3 với hơn 1.4 tỷ đồng, đánh dấu 9 quý liên tiếp lỗ ròng, kể từ quý 3/2021. Sau 9 tháng, Công ty lỗ gần 9 tỷ đồng.

CPA cũng là doanh nghiệp có vấn đề trong việc giao nhận khoán. Ngày 07/12 tới đây, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của Công ty dự kiến thông qua phương án xử lý đối với 255.32 ha vườn cây cà phê của Công ty tại vùng An Thuận để thanh lý thu hồi vườn cây.

Minh Khang Capital Trading Public (CTP) có quý lỗ đầu tiên trong năm nay với 134 triệu đồng, cùng kỳ lãi 129 triệu đồng. Nhờ 2 quý trước có lãi (quý 1 lãi 232 triệu đồng, quý 2 lãi 87 triệu đồng) mà sau 9 tháng, Công ty lãi gần 185 triệu đồng, giảm 44%.

Như “cá hồi vượt thác”, Cà phê Petec (PCF) có cú lội ngược dòng - lãi 108 triệu đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lỗ 39 triệu đồng. Sau 9 tháng, PCF lãi hơn 540 triệu đồng, giảm gần 4%.

Nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu tại Việt Nam là Vinacafé Biên Hòa (VCF) có lãi lớn. Quý 3/2023, doanh thu bán các sản phẩm cà phê rang xay, hòa tan; ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc dế mèn của Công ty đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 549 tỷ đồng; nhờ giá vốn hàng bán giảm, VCF có lãi gộp tăng 29%, gần 125 tỷ đồng.

Sau khấu trừ các chi phí, VCF lãi ròng 112 tỷ đồng, tăng 50%, đánh dấu 2 quý liên tiếp tăng trưởng. Lũy kế 9 tháng, VCF thu về 307 tỷ đồng lãi ròng, tăng 45%.

Kết thúc niên vụ 2022 - 2023 (từ 10/2022 - 09/2023), xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1.66 triệu tấn (tương đương hơn 27.7 triệu bao loại 60kg/bao), giảm 4.5% so với niên vụ trước. Đây là thông tin được ông Đỗ Xuân Hiền - Chánh Văn phòng Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 - 2024.

Dù giá cà phê năm 2023 tăng cao, nhưng trước đó, nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi để trồng sầu riêng, cây ăn trái do những năm trước giá cà phê xuống quá thấp, nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê (trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã). Mặt khác, yếu tố biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Niño gây khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê robusta cả nước.

Diễn biến giá cà phê robusta (USD/tấn)
Nguồn: Barchart; Dữ liệu đến ngày 29/11

Sản lượng giảm khiến lượng cà phê xuất khẩu giảm từ 08/2023. Theo ông Hiền, tháng 10/2023 - tháng đầu tiên của niên vụ mới, cả nước xuất khẩu 43,725 tấn, so với cùng kỳ chỉ đạt 54%. Tổng cà phê xuất khẩu 10 tháng đầu năm gần 1.3 triệu tấn với kim ngạch gần 3.3 tỷ USD, giảm gần 11% về lượng và 1.2% về kim ngạch.

VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023 - 2024 sản lượng giảm 10%; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Song song đó, giá cà phê đang có xu hướng giảm nên một số vùng có hiện tượng hái xanh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê đầu niên vụ. Trong báo cáo hồi tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng cà phê robusta Việt Nam đạt khoảng 30.2 triệu bao cho niên vụ mới 2023 - 2024, tăng hơn 5%.

Về sản lượng cà phê toàn cầu, USDA ước tính sản lượng có thể đạt hơn 174 triệu bao, tăng khoảng 3% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng arabica dự kiến tăng 7%, lên 96 triệu bao; robusta dự kiến giảm 2%, về 78 triệu bao.

Tiêu thụ thế giới có thể đạt 170 triệu bao, tăng nhẹ 1% so với vụ trước. Với dự báo của USDA, thế giới ước tính thặng dư 4 triệu bao niên vụ 2023 - 2024

Duy Khánh

FILI

Các tin tức khác

>   PWA: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 (01/12/2023)

>   SGC: Nghị quyết HĐQT v/v vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank (01/12/2023)

>   SGC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (01/12/2023)

>   SGC: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (01/12/2023)

>   VCM: Nghị quyết HĐQT (01/12/2023)

>   VTM: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 (01/12/2023)

>   PCH: Nghị quyết Hội đồng quản trị (01/12/2023)

>   SDA: Nghị quyết Hội đồng quản trị (01/12/2023)

>   HEJ: Ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 (01/12/2023)

>   NBW: Nghị quyết Hội đồng quản trị (01/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật