“Vứt rác thì liên quan gì tới…”!
Ngày 21/11, mạng xã hội lan truyền clip một tài xế của hãng taxi Vinasun đã vứt rác là chai nhựa và hộp xốp ở nơi công cộng. Ngay sau đó, một người đàn ông nước ngoài đến nhắc nhở, yêu cầu anh cần vứt đúng chỗ. Nhưng anh tài xế đã phản ứng gay gắt, sấn tới nói: "Làm gì vậy, vứt rác thì liên quan gì tới...", rồi anh ta chạy ra xe tìm kiếm đồ vật gì đó, quay lại tiếp tục phản ứng người nước ngoài.
Chiều cùng ngày, trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc hãng taxi Vinasun - xác nhận, trước mắt đã cho tài xế trên nghỉ việc ít nhất 1 tháng. Công ty xác định hành động của tài xế đã không tuân thủ quy định và tiêu chuẩn lái xe của Vinasun. Đồng thời vi phạm xả rác nơi công cộng, không đảm bảo vệ sinh môi trường và có hành động không chuẩn mực với khách du lịch quốc tế. Vinasun taxi cũng nhắc nhở đối với toàn bộ tài xế về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chuẩn mực cư xử với hành khách. Hãng xe đưa ra lời xin lỗi và cam kết sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Vấn nạn xả rác một lần nữa lại có ngay một “thí dụ” điển hình khi mà ý thức “nhà nhà quăng rác, người người xả rác” vẫn cứ phổ biến. Các chế tài đã có, với Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/8/2022) - khoản 2 quy định sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; Nghị định số 144/2021 - Điều 7 phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong nhiều hành vi “ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu”.
Vấn đề là ai, làm thế nào có mặt, xác thực hành vi vi phạm để lập biên bản và xử phạt nên chuyện quăng một hộp nhựa lên bãi cỏ công viên, bỏ chai nước, mẫu rác xuống ngay lòng đường cứ mãi được coi như là “chuyện nhỏ”, ai cũng tiện tay hơn là rèn ý thức tôn trọng, giữ gìn vệ sinh chung; chấp hành quy định bảo vệ môi trường sống.
Cách đây 1 tuần, người viết bài có dịp ra khu vực đường Nguyễn Huệ, mục sở thị các thùng rác xanh - cam đặt ở khoảng cách khá dày đặt nhưng ly nhựa, ống hút, bịch nilon vẫn bị bỏ ở các ô cây xanh, ngay chỗ hàng ghế ngồi. Ở vỉa hè bên kia đường, chị bán hàng rong rửa chén, tráng ly xong cứ vô tư đổ nước thải ra, người đi bộ phải nhón chân né; hay ở vỉa hè đường Mạc Thị Bưởi, anh bảo vệ ăn xong, thản nhiên quẳng hộp xốp vô gốc cây.
Rõ ràng, với ý thức kém như trên thì việc gia tăng lực lượng vệ sinh công cộng (tới một giới hạn cho phép) cũng không thể đáp ứng nổi. Cần nhớ, đây không phải là hiện tượng mới, nó đã được lên tiếng, báo động đỏ; tổ chức tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhưng vẫn không hề cải thiện.
Tại khu vực quảng trường Nguyễn Huệ, sau những đêm lễ hội là núi rác cũng đã phần nào cho thấy ý thức của một bộ phận dân cư, trong đó hầu hết là người trẻ - họ vốn được giáo dục khá kỹ về ý thức giữ gìn môi trường, bỏ rác đúng chỗ.
Hay, một trong những nguyên nhân chính của việc đường sá ngập úng nặng nề sau những cơn mưa lớn, kéo dài đó chính là nạn dồn rác vào miệng cống thoát nước; có nơi người dân còn tự cải tạo lại miếng cống để tạo lối chạy xe từ đường lên vỉa hè, có nơi bít ống cống lại cho… bớt bốc mùi. Chưa kể, nỗi ám ảnh của công nhân thoát nước là ở khu vực có nhiều hàng quán, người ta thường đổ hết thức ăn thừa xuống miệng cống, dầu mỡ kết lại không tan nên nước cũng không thể chảy qua.
Theo “Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu” (tác giả Trần Hữu Quang - NXB Tổng hợp TP.HCM) thì từ năm 1865, chính quyền ra quy định mỗi hộ dân cư buộc phải quét dọn phần diện tích lề đường và lề trước nhà mình vào mỗi buổi sáng, mọi đống rác phải dọn đi trước 8 giờ sáng. Đến năm 1874, quy định nêu thêm mọi gia đình phải bỏ rác vào một cái giỏ (hoặc thùng), đặt ở lề đường trước cửa nhà mình, cách mặt đường ít nhất 50 cm, đặt cách xa cây trồng ven đường và miệng cống ít nhất 1m…
Hiện, các quy định và chế tài cũng nêu rõ từng hành vi cần tuân thủ và biện pháp xử lý nếu vi phạm. Song, thực tế vẫn không/chưa thể thay đổi được bao nhiêu.
Giải pháp trước mắt vẫn chỉ có thể là kêu gọi, truyền thông làm sao để tác động thật sự đến người dân, cộng đồng. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng dân cư, nơi làm việc phải tự giữ gìn vệ sinh cho chính mặt tiền nhà, vỉa hè và lòng đường, đoạn đường nơi mình sống, sinh hoạt, làm việc. Xem đó là “bộ mặt”, là văn hóa hành xử của chính mình, đơn vị, tổ chức…
Về lâu dài, cần thiết lập một “bộ tiêu chuẩn” trong hệ thống giáo dục, từ học đến hành, từ chính khóa đến ngoại khóa để không chỉ xem việc “không xả rác nơi công cộng, bỏ rác đúng nơi quy định” là hiểu biết tối thiểu mà còn là hành vi cơ bản của một người có văn hóa trong một xã hội văn minh.
Một khi anh không tuân thủ, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống lại còn “vứt rác thì liên quan gì tới…” thì chính anh tự loại bỏ mình trước khi bị những quy tắc, chế tài áp lên anh, phạt tiền, phạt lao động công ích…
Quốc Học
FILI
|