Thứ Năm, 09/11/2023 09:59

Trung Quốc giảm phát, đà hồi phục còn mong manh

Trung Quốc trở lại trạng thái giảm phát trong tháng 10/2023, qua đó cho thấy đất nước tỷ dân đang chật vật thúc đẩy tăng trưởng thông qua nhu cầu nội địa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0.2% trong tháng 10/2023 sau khi dao động gần 0% trong 2 tháng trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 09/11. Trước đó, các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo CPI Trung Quốc giảm 0.1%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2.6%, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp. Trước đó, các chuyên gia dự báo giảm 2.7%.

Giá tiêu dùng tại đất nước tỷ dân vẫn đang rất yếu trong năm nay. Chỉ số CPI rơi vào vùng giảm phát trong tháng 7/2023 và cứ ra ra vào vào trạng thái này trong vài tháng qua. Trong 8/2023, NHTW Trung Quốc cho biết giá cả sẽ hồi phục sau mùa hè, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy đánh giá này vẫn còn quá lạc quan.

“Vực dậy giá cả trong bối cảnh nhu cầu yếu ớt là một thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”, Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle, chia sẻ. “Một kết hợp chính sách hợp lý cùng với việc tung thêm biện pháp hỗ trợ là điều cần thiết để ngăn chặn kỳ vọng lạm phát suy giảm – một yếu tố có thể đe dọa tới niềm tin kinh doanh và chi tiêu của hộ gia đình”.

Sau thông tin trên, đồng Nhân dân tệ tại Hồng Kông gần như đi ngang ở mức 7.2854 đổi 1 USD, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giữ nguyên ở mốc 2.65%.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu bởi nhiều yếu tố như khủng hoảng bất động sản và niềm tin tiêu dùng yếu ớt, cùng với đó là đợt sụt giảm của giá cả hàng hóa thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu cũng yếu hơn cũng khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trượt dốc.

Đà giảm gần đây của CPI Trung Quốc chủ yếu đến từ giá thịt lợn – vốn là loại thịt được ưa chuộng nhất tại đất nước tỷ dân và có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa. Các nhà sản xuất thịt lợn tăng nguồn cung với kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục sau khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tommy Xie, Chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp, chia sẻ chỉ số CPIPPI đều giảm, cho thấy nhu cầu tại Trung Quốc đang rất yếu.

Tuy vậy, ông Xie cho rằng: “Đây có thể được xem là một thông tin tích cực trong bối cảnh các NHTW toàn cầu đang chống lạm phát. Điều này cho thấy bất chấp đà hồi phục gần đây của nền kinh tế Trung Quốc, không hề có nguy cơ Trung Quốc xuất khẩu lạm phát”.

Tình trạng giảm phát đang làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Nó sẽ làm tăng áp lực trả nợ và đây là vấn đề lớn với một nền kinh tế có đòn bẩy cao như Trung Quốc. Ngoài ra, tình trạng giảm phát cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu khi người tiêu dùng trì hoãn mua vì kỳ vọng giá sẽ giảm thêm.

Trung Quốc được dự báo ghi nhận CPI tăng 0.5% trong cả năm 2023, theo dự báo của Bloomberg, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% của Chính phủ.

Lạm phát thấp là một trong những bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng dưới ngưỡng tiềm năng và cần thêm gói kích thích tài khóa và tiền tệ.

Gần đây, Bắc Kinh đẩy mạnh nới lỏng chính sách, như giảm lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Các nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu về nguyên liệu thô trong vài tháng qua, nhưng chưa chắc sẽ vực dậy được giá cả.

Kim ngạch nhập khẩu dầu thô tăng 14% trong 10 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu quặng sắt để sản xuất thép tăng 6.5%. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra tình thế khó khăn cho các nhà sản xuất từ chế tạo đồng cho tới nhà máy sản xuất thép và lọc dầu. Họ sẽ phải ghi nhận biên lợi nhuận thấp hơn vì giá cả giảm trong khi chi phí đầu vào lại tăng.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Khi nào Fed, ECB và BoE giảm lãi suất? (08/11/2023)

>   Nền kinh tế Eurozone trước tình trạng trì trệ trong quý cuối năm 2023 (08/11/2023)

>   Trung Quốc tung “phao cứu sinh” cho tập đoàn bất động sản Vanke (07/11/2023)

>   Chủ tịch ECB Christine Lagarde: Lạm phát ở châu Âu sẽ chậm lại (06/11/2023)

>   Các công ty bất động sản Trung Quốc giảm sâu giá bán, chủ nhà lỡ mua giá cao bất bình (03/11/2023)

>   Nhật Bản chi 113 tỷ USD giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát tăng (03/11/2023)

>   Nguồn vốn tư nhân đổ vào bất động sản toàn cầu đang sụt giảm (02/11/2023)

>   Chủ tịch Fed: Lợi suất trái phiếu cao hơn, USD mạnh hơn có thể ảnh hưởng tới lộ trình chính sách của Fed (02/11/2023)

>   Fed không tăng lãi suất, dự báo kinh tế Mỹ vẫn sẽ tốt trong thời gian tới (02/11/2023)

>   Chờ đợi gì từ cuộc họp Fed khuya nay? (01/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật