Tổng Giám đốc Bidiphar: Thuốc generic tại Việt Nam hoàn toàn sánh ngang với thuốc gốc nhập ngoại
Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp sở hữu công nghệ làm thuốc gốc. Nói cách khác, 100% doanh nghiệp dược nội địa của Việt Nam là nhóm sản xuất generic. Tuy nhiên, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang đứng trước làn sóng đổi mới, sau khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030-2050.
Trong lĩnh vực dược phẩm, thuốc được chia làm 2 loại: thuốc gốc (original, hay biệt dược) và thuốc generic (thuốc bản sao). Thuốc gốc là các loại thuốc mới được phát triển, được nhà sản xuất đặt tên nhằm chỉ ra hoạt chất trong thuốc. Trong khi đó, thuốc generic do các nhà sản xuất khác tạo ra với thành phần hoạt chất và hiệu quả điều trị tương tự và thường có giá rẻ hơn.
Vấn đề là, Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp trong nước nào có công nghệ sản xuất được thuốc gốc. Nhóm làm thuốc gốc hiện tại vẫn đang là các doanh nghiệp từ nước ngoài và nhóm này chiếm 4/5 cái tên lớn nhất thị trường dược hiện tại - theo ông Andriy Samoylovych - Giám đốc điều hành tại Stada Việt Nam - một trong những nhà sản xuất dược phẩm có trụ sở tại Đức.
Dựa trên Chiến lược công bố, định hướng thị trường dược tại Việt Nam được đánh giá là rõ ràng, khi đặt mục tiêu gia tăng thị phần cho thuốc generic lên 30% và hướng đến tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước.
Nhìn chung, Chiến lược đưa ra giống như một làn sóng đổi mới dành cho thị trường dược phẩm Việt Nam. Là doanh nghiệp nổi bật trong ngành với nhiều nhà máy, dây chuyền sản xuất thuốc (bao gồm cả thuốc ung thư) đạt chuẩn EU-GMP, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Dược Bình Định - Bidiphar, HOSE: DBD) nằm trong số những cái tên có thể tự tin đương đầu với làn sóng này. Tuy vậy, cần có cách tiếp cận phù hợp - theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Bidiphar.
Theo bà Hương, chiến lược quốc gia phát triển ngành dược mới có mục tiêu rất rõ ràng, nhưng các doanh nghiệp cần có chiến lược đối ứng phù hợp.
“Việc phát triển thuốc mới, phát triển thuốc đặc trị, thuốc có kỹ thuật hiện đại, tiên tiến… là mục tiêu ưu tiên mà Nhà nước, doanh nghiệp đều cần có sự tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng ngành công nghiệp dược Việt Nam” - trích lời bà Hương.
“Để thực hiện tốt Chiến lược, cần đưa ra lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể. Chiến lược chỉ có thể đạt được nếu có cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao năng lực cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm công nghệ cao, nhận chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu, phát triển thuốc mới”.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược mới là nâng cao thị phần của thuốc generic. Bà Hương nhận định, generic là loại thuốc đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái ngành dược, khi cho phép mở rộng khả năng tiếp cận thuốc cho người dân với chi phí thấp hơn nhiều so với thuốc gốc hiện đang phải nhập ngoại.
“Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, việc gia tăng sản xuất thuốc generic sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đảm bảo an ninh thuốc quốc gia. Đây cũng là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành” - bà Hương bày tỏ.
“Một yếu tố khác cho thấy sự quan trọng của thuốc generic, đó là giúp mở rộng danh mục sản phẩm và tạo ra nguồn cung phong phú cho thị trường dược phẩm. Nhìn chung, thuốc generic đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành dược. Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thuốc generic để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân” - bà Hương nói và cho rằng định hướng mở rộng thuốc generic sẽ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu.
“Bidiphar cũng đang có chủ trương thử tương đương sinh học cho các sản phẩm chủ lực của mình nên cũng phù hợp với định hướng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước nói chung và Bidiphar nói riêng sẽ gặp rào cản là chi phí đầu tư lớn nên cũng cần có sự hỗ trợ về chính sách từ phía Chính phủ và Bộ Y tế” - bà đánh giá.
Suốt một thời gian dài, câu nói “của rẻ là của ôi” được gắn liền với các loại thuốc generic, khi người tiêu dùng cho rằng chúng không thể tốt bằng các loại thuốc biệt dược nhập ngoại đắt tiền hơn.
Bản thân bà Hương không phủ nhận điều này, cho rằng đây là tâm lý chung chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện hiện tại đã thay đổi, khi các doanh nghiệp generic tên tuổi, uy tín trong ngành đã đầu tư mạnh vào công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt.
“Nhiều thuốc generic đã được đánh giá tương đương sinh học. Chất lượng thuốc generic Việt Nam do các công ty này sản xuất hoàn toàn có thể sánh ngang với thuốc nhập ngoại” - bà nhận định.
Khi chất lượng đã tương đương, bài toán cần giải là niềm tin. Tổng Giám đốc Bidiphar cho hay, để thuốc generic nội địa xây dựng được niềm tin và nâng cao hình ảnh, các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, từ chọn lựa nguyên liệu đến kiểm soát chất lượng đầu ra để đảm bảo sản phẩm an toàn, ổn định.
“Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao mức kiểm soát và chất lượng sản phẩm; đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chứng minh chất lượng sản phẩm của mình qua hiệu quả điều trị. Ngoài ra cần đẩy mạnh truyền thông về uy tín và thành tựu của doanh nghiệp, công bố công khai các thông tin về chất lượng sản phẩm” - bà Hương nói thêm.
Một lợi điểm của thuốc generic là giúp hạ thấp giá, tăng khả năng tiếp cận dược phẩm cho người tiêu dùng. Điều này phù hợp với định hướng mới trong chiến lược quốc gia, yêu cầu đảm bảo việc tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý. Bà Hương khẳng định, đây cũng là một trong những điểm giúp Bidiphar tự tin đón nhận làn sóng đổi mới.
“Hiện ở Việt Nam chưa có công ty nào phát minh ra hoạt chất mới. Các công ty dược trong nước hiện đang nghiên cứu phát triển các thuốc generic. Bidiphar cũng vậy, tập trung nghiên cứu phát triển các thuốc generic mà thuốc gốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền. Chỉ cần làm tốt điều này thì Bidiphar nói riêng và các công ty dược trong nước nói chung đã giúp người dân được tiếp cận thuốc với chi phí tiết kiệm hơn nhiều khi dùng thuốc ngoại nhập”.
Bên cạnh đó, bà Hương tiết lộ, Bidiphar có thể đón được cả làn sóng sản xuất thuốc gốc theo chiến lược quốc gia mới, nhờ nền tảng thuốc dược liệu cổ truyền đang nắm giữ.
“Ngành dược Việt Nam có một lợi thế là thừa hưởng nhiều bài thuốc cổ truyền và có nguồn dược liệu dồi dào. Bidiphar cũng là một trong những công ty trong nước nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc cổ truyền có hiệu quả tốt vào sản xuất công nghiệp để cung ứng rộng rãi cho các kênh bán hàng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng. Trong thời gian tới, nếu nhà nước có chính sách phù hợp.
Ngành dược Việt Nam - bao gồm cả Bidiphar - có thể sẽ có một số thuốc mới có nguồn gốc dược liệu. Đó là thuốc có công thức, thành phần hoạt chất mới, được chứng minh lâm sàng. Cần biết, quá trình chứng minh hiệu quả trên lâm sàng rất tốn kém, mà không phải nghiên cứu nào cũng thành công” - bà Hương chia sẻ.
Theo định hướng chiến lược quốc gia, Việt Nam được định hướng trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, với việc duy trì 20% cơ sở sản xuất thuốc đạt các tiêu chuẩn quốc tế như EU-GMP.
Bà Hương nhận định, Chiến lược sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, như nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác; đồng thời, tạo cơ hội hợp tác và liên doanh với các doanh nghiệp dược nước ngoài, đặc biệt là chuyển giao công nghệ và sản xuất dược phẩm giá trị cao. Trên thực tế, các đối tác nước ngoài thường ưu tiên hợp tác với các nhà máy đạt tiêu chuẩn cao.
Không chỉ vậy, định hướng trên có thể giúp nâng cao trình độ quản lý, điều hành sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao đầu tư công nghệ, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn EU-GMP, qua đó nâng khả năng cạnh tranh chung của toàn ngành.
Tuy vậy, mục tiêu này muốn đạt được cần sự đầu tư nâng cấp lớn, cần có lộ trình và cơ chế hỗ trợ phù hợp. Bà Hương chia sẻ, tại Bidiphar, các nhà máy được đặt lộ trình, kế hoạch rõ ràng để đạt được chuẩn EU-GMP.
Châu An
FILI
|