Thoái hết vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định vào năm 2024?
Tỉnh Bình Định lên kế hoạch thoái toàn bộ sở hữu 25% vốn Nhà nước hiện có tại Khoáng sản Bình Định vào năm 2024. Ngày 31/12/2023 được xác định là mốc thời gian để tính giá trị cổ phần của doanh nghiệp.
Cuối tháng 10, UBND tỉnh Bình Định ra thông báo điều chỉnh kế hoạch triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại CTCP Khoáng sản Bình Định (HOSE: BMC) với trọng tâm chính trong phần còn lại năm 2023 là triển khai kế hoạch và phê duyệt phương án thoái vốn, đồng thời hướng đến quyết toán chi phí thoái vốn vào cuối năm 2024 thay vì đến tháng 03/2025 như công bố trước đó.
Cụ thể, tháng 11 và 12/2023, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ xây dựng phương án, gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND phê duyệt, bao gồm việc ủy quyền người đại diện chọn đơn vị thẩm định giá và đơn vị tư vấn nhằm tuân thủ quy định pháp luật về thoái vốn Nhà nước.
Trước tháng 03/2024, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ hoàn thành lập, gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi phí thực hiện thoái vốn, sau đó sẽ gửi văn bản mời chào giá dịch vụ thực hiện thẩm định trong tháng 4.
Theo kế hoạch, việc chọn đơn vị thẩm định giá và đơn vị tư vấn lần lượt hoàn tất trong tháng 4 và tháng 06/2024.
Chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định sẽ được trình Sở Tài chính và UBND tỉnh trong tháng 05/2024 để phê duyệt giá khởi điểm chào bán cổ phần Nhà nước tại Công ty.
Từ tháng 7 – 09/2024, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ thực hiện các bước thoái vốn theo phương án cùng giá khởi điểm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bao gồm công bố thông tin (CBTT), xác định giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên TTCK trước ngày CBTT, trình văn bản lên UBND tỉnh để phê duyệt giá đặt bán cổ phiếu, thực hiện giao dịch theo phương án đã duyệt, công bố kết quả và báo cáo cho UBND tỉnh.
Cuối cùng, từ tháng 10 – 12/2024, nếu giao dịch diễn ra thành công, người đại diện phần vốn Nhà nước báo cáo kết quả bán cổ phiếu theo quy định, báo cáo kết quả thoái vốn với UBND tỉnh, và quyết toán chi phí liên quan đến công tác thoái vốn.
Trường hợp ngược lại, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ báo cáo lên Sở Tài chính và UBND tỉnh để nhận chỉ đạo nhằm đảm bảo tiến độ thời gian và hiệu quả trong việc thoái vốn.
Hồi tháng 05/2023, UBND tỉnh Bình Định công bố kế hoạch triển khai thoái vốn dự kiến kéo dài từ tháng 05/2023 đến 03/2025. Như vậy, thời gian thực hiện trên đã được điều chỉnh rút ngắn ba tháng.
BMC trở thành công ty cổ phần từ năm 2001 theo chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước và quyết định của UBND tỉnh Bình Định. Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định hiện đang đại diện phần vốn Nhà nước nắm giữ hơn 3 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 25%.
Ngoài ra, Văn phòng Tỉnh Ủy Bình Định (VPTU) cũng đang là cổ đông lớn của BMC.
Ngày 23/10, VPTU tiếp tục đăng ký bán hơn 167 ngàn cp BMC theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, dự kiến diễn ra từ ngày 30/10 – 30/11/2023 vì đợt đăng ký bán trước đó không thành công với lý do biến động thị trường không thuận lợi.
Trước khi đăng ký bán, VPTU nắm giữ hơn 2.7 triệu cp BMC, tỷ lệ 22.3%. Với mục đích cơ cấu vốn, nếu giao dịch thành công, sở hữu của VPTU sẽ giảm còn 2.6 triệu cp, tỷ lệ 20.98%.
Hơn 10 năm qua, doanh thu và lãi ròng BMC cho thấy sự sụt giảm và hầu như không tăng trưởng. Trong các năm 2011, 2012 và 2013, doanh thu duy trì trên 300 tỷ đồng, lãi ròng từ 80 tỷ đồng đến 90 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp khi đó luôn ở mức cao, từ 38% đến 48%.
Kết quả kinh doanh BMC bắt đầu giai đoạn sụt giảm từ năm 2014 trở đi, khi doanh thu và lợi nhuận gộp mang về bằng khoảng một nửa những năm trước đó, lãi trung bình chỉ còn quanh 1/10.
Diễn biến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của BMC từ năm 2011 - 2022 |
|
Diễn biến kết quả kinh doanh của BMC từ năm 2011 - 2022 |
|
Tử Kính
FILI
|