Số doanh nghiệp chậm công bố phương án tái cơ cấu nợ trái phiếu ngày càng tăng Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ khoảng 160 ngàn tỉ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quí 4-2023 ước tính trên 104 ngàn tỉ đồng. Ảnh minh hoạ: TTXVN |
TTXVN dẫn thông tin theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỉ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển trong ASEAN như Malaysia là 56% GDP, Singapore là 38% GDP, Thái Lan là 25% GDP.
Việc huy động vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ còn rất nhỏ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng liên tục sụt giảm qua các năm.
Ngoài những nguyên nhân từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường thì thách thức còn xuất phát từ một số rào cản khác. Trong đó, thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành thường kéo dài từ 4-6 tháng, nhiều vướng mắc liê quan tới hồ sơ niêm yết trái phiếu phải có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp trong khi Đại hội đồng cổ đông chỉ tiến hành họp mỗi năm một lần.
Thêm vào đó là áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt khi lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 đang còn rất lớn. Đáng ngại nhất là số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ đang ngày càng nhiều thêm.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này hiện xấp xỉ 160 ngàn tỉ đồng, chiếm 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.
Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quí cuối năm nay ước tính trên 104 ngàn tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản hơn 37 ngàn tỉ đồng, của các tổ chức tín dụng là 24 ngàn tỉ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 1,3 ngàn tỉ đồng và các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ cùng các lĩnh vực khác hơn 42 ngàn tỉ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 dự tính hơn 288 ngàn tỉ đồng, năm 2025 là 194,2 ngàn tỉ đồng.
Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, ngoài việc kỳ vọng từ dòng tiền tạo ra trong sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp sẽ cần tìm thêm nguồn vốn mới, đến từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới hoặc từ nguồn vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doan nghiệp trong giai đoạn này đang rất khó khăn vì sự suy giảm niềm tin nơi các nhà đầu tư, sự e ngại từ phía các tổ chức, cá nhân góp vốn.
Nguyên Tân TBKTSG
|