Sáu dự án điện gió hàng chục nghìn tỷ đồng đang 'mắc cạn’
Phê duyệt đầu tư 6 dự án điện gió, UBND tỉnh Đắk Nông kỳ vọng sẽ đóng góp lớn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thế nhưng đến nay chỉ mới 1 dự án điện gió đi vào hoạt động, còn lại chưa triển khai xong, bị vướng quy hoạch, “nằm chờ” phát điện.
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc 6 dự án điện gió ở Đắk Nông chồng lấn lên quy hoạch bô-xít đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Nông cho biết đang tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Theo Sở KH&ĐT Đắk Nông, tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án điện gió trên địa bàn huyện Đắk Song đã được Thủ tướng bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Đồng thời, vị trí thực hiện 6 dự án cũng nằm trong Quy hoạch thăm dò, phê duyệt trữ lượng bô-xít thuộc mỏ bô-xít Đắk Song, mỏ bô-xít Tuy Đức đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 167/2007. Như vậy, tại các vị trí khu đất 6 dự án năng lượng điện gió đang tồn tại 2 loại quy hoạch.
Đắk Nông có 6 dự án điện gió. Ảnh: Khả Hưng.
|
Theo quy hoạch quặng bô-xít tại Quyết định số 167 của Thủ tướng, tỉnh Đắk Nông có 13 mỏ, trong đó có 9 mỏ đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng và 1 mỏ đã được cấp phép khai thác (mỏ Nhân Cơ).
Sau khi quy hoạch được duyệt, các số liệu về vị trí, trữ lượng các mỏ tỉnh Đắk Nông không được Bộ chủ quản cung cấp thông tin. Vị trí thực hiện các dự án điện gió nằm trong vùng quy hoạch mỏ Đắk Song và mỏ Tuy Đức có diện tích 47.200 ha (chưa được cấp phép khai thác).
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất của 6 điện gió khoảng 84 ha (trong đó 5 dự án đang triển khai đầu tư khoảng 78,9 ha) chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 0,17% trên tổng diện tích 47.200 ha. Ngoài các hạng mục trạm biến áp, đường dây thì vị trí các trụ phân tán (khoảng cách các trụ điện gió từ 500-1.000 m), diện tích đất chiếm mỗi trụ không đáng kể (khoảng 1.000 - 3.000 m2), không ảnh hưởng nhiều đến trữ lượng quặng bô-xít.
Mặt khác, trong quá trình thi công các công trình điện gió không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Hiện Đắk Nông chỉ có Nhà máy Alumina Nhân Cơ - Đắk Nông được phép khai thác và vận chuyển. Do đó việc tận thu khoáng sản theo Luật Khoáng sản là không khả thi vì chi phí lập thủ tục, khai thác, vận chuyển quặng bô-xít cao hơn giá bán tại nhà máy trên.
Các dự án điện gió đang bị chồng lấn lên quy hoạch bô-xít.
|
Hiện tại, trong 6 dự án thì Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 đã hoàn thành đầu tư (tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng); có 3 dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 đã đầu tư khoảng 5.800/10.525 tỷ đồng (đạt 55% tổng vốn đầu tư); Dự án Nhà máy điện gió Đắk Hòa 1 đã đầu tư hoàn thành dự án (với tổng vốn khoản 1.624 tỷ đồng) và phát điện thương mại; Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục có liên quan để triển khai xây dựng.
UBND tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương chỉ đạo khắc phục những tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ động xử lý các nội dung theo thẩm quyền. Đối với nội dung các dự án triển khai trong vùng quy hoạch quặng bô-xít là quy hoạch Trung ương nên UBND tỉnh đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.
Trước đó, tháng 10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt đầu tư 6 dự án điện gió với tổng công suất 430MW. Dự kiến cuối năm 2021, 6 dự án đi vào hoạt động, sẽ nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít tại tỉnh Đắk Nông, Thanh tra Chính phủ đã chuyển vụ việc đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định. Hồi tháng 3, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản thông báo tiếp nhận các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
|
Huỳnh Thủy
Tiền phong
|