Rung lắc thượng tầng tại một doanh nghiệp may vốn 20 tỷ, các cổ đông lớn đồng loạt rời đi
Từ cuối tháng 8/2023, các cổ đông lớn của CTCP May Thanh Trì (UPCoM: TTG) đồng loạt thoái vốn, cùng lúc lãnh đạo Doanh nghiệp xin từ nhiệm. Động thái này dấy lên nghi vấn TTG sắp "đổi chủ" sau nhiều năm chìm trong thua lỗ.
Tổng hợp các giao dịch của cổ đông lớn TTG
|
Cụ thể, trong hai ngày 24-25/08, Công ty TNHH FINSTA thông báo đã thoái sạch 485,000 cp TTG nắm giữ, tương ứng 24.87% vốn và không còn là cổ đông của TTG.
Cùng ngày 25/08, cổ đông lớn cá nhân - ông Đặng Anh Tuấn mua vào 272,400 cp TTG, nâng tỷ lệ sở hữu từ 2.63% lên 16.59%. Sau đó, ông Tuấn thực hiện 2 giao dịch bán bớt cổ phần tại TTG và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 14.13% tại ngày 06/09 nhưng vẫn là cổ đông lớn tại đây.
Ngày 15/09, TTG tiếp tục “chia tay” cổ đông lớn cá nhân - bà Lưu Thị Mai sau khi cá nhân này bán hết 97,900 cp TTG nắm giữ, tương ứng 5.02% vốn. Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Tú báo cáo trở thành cố đông lớn tại TTG sau khi mua vào 98,000 cp, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0.02% lên 5.05%.
Đến ngày 16/10, CTCP Sông Đà 19 (UPCoM: SJM) thông báo bán thành công 83,200 cp TTG đăng ký, giảm tỷ lệ sở hữu từ 24.78% xuống còn 20.51%. Dù vậy, SJM vẫn là cổ đông lớn nhất của TTG. Về mối liên hệ, Chủ tịch TTG Nguyễn Việt Dũng đang là Chủ tịch HĐQT SJM; Thành viên HĐQT TTG Lý Nam Ninh là Tổng Giám đốc SJM.
Động thái thoái vốn các cổ đông lớn TTG diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu này có đà tăng từ đầu năm 2023. Bên cạnh xu hướng tăng giá, khối lượng khớp lệnh TTG cũng cải thiện đáng kể từ cuối tháng 8, sau quãng "trắng" thanh khoản từ đầu năm. Thị giá TTG chững ở mốc tham chiếu 9,400 đồng/cp trong 5 phiên liên tiếp gần đây, tăng 15% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu TTG từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Biến động nhân sự cấp cao, TTG thay "tướng"
Ngày 18/10, TTG công bố nhận được đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 của ông Khúc Hà Dũng với lý do cá nhân. Ngay sau đó, TTG thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 nhằm thông qua việc bầu thay thế thành viên HĐQT Công ty và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Đến ngày 07/11, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của TTG đã thông qua việc tăng số lượng thành viên HĐQT Công ty từ 3 lên 5, đồng thời thông qua miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Khúc Hà Dũng.
Cùng với đó, ĐHĐCĐ bầu bổ sung ông Đặng Anh Tuấn, ông Nguyễn Đình Tú, ông Nguyễn Ngọc Quang làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Ngày bắt đầu có hiệu lực từ 09/11/2023.
Cả 3 vị trên đều có đơn xin ứng cử trước khi cuộc họp diễn ra, trong đó ông Tuấn và ông Tú là hai cổ đông lớn của TTG. Thời điểm này, ông Tuấn báo cáo số lượng cổ phiếu TTG nắm giữ là 181,500 cp (tỷ lệ 9.31%), còn ông Tú giữ 98,400 cp (tỷ lệ 5.05%).
Theo giới thiệu, cả 3 vị đều có trình độ Cử nhân Kinh tế và không có người liên quan tại TTG, trong đó ông Đặng Anh Tuấn (1980) đang là Phó Giám đốc PGD Thăng Long - CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); ông Nguyễn Đình Tú (1980) đang là Giám đốc Công ty TNHH Vải giầy Thanh Cường. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quang (1991) là Trưởng phòng Kế hoạch vật tư Công ty TNHH Vải giầy Thanh Cường và hiện không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TTG nào.
Như vậy, HĐQT TTG nhiệm kỳ 2023-2028 có 5 thành viên gồm ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT; ông Lý Nam Ninh; ông Đặng Anh Tuấn; ông Nguyễn Đình Tú và ông Nguyễn Ngọc Quang.
Ngày 09/11 vừa qua, HĐQT TTG cũng đã họp và thống nhất bầu ông Đặng Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2023-2028, thay thế cho ông Nguyễn Việt Dũng xin thôi chức vụ này tại cuộc họp. Dù vậy, ông Dũng vẫn là Thành viên HĐQT TTG nhiệm kỳ 2023-2028.
Muốn phát hành thêm 1.5 triệu cp, thành lập công ty con vốn 4 tỷ
Tại phiên họp bất thường năm 2023, ĐHĐCĐ TTG cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 5% - mức trần theo quy định, tương ứng phát hành tối đa 100,000 cp. Giá phát hành là 10,000 đồng/cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của TTG sẽ được nâng lên 21 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2022, theo BCTC năm 2022 của TTG đã được kiểm toán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc thời gian khác theo quyết định của HĐQT và sau khi nhận được chấp thuận của UBCKNN.
Đối tượng tham gia là Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc điều hành, cán bộ chủ chốt của Công ty, nhân viên có đóng góp xuất sắc, đặc biệt đối với TTG.
Bên cạnh đó, cổ đông TTG đã thông qua phương án chào bán tối đa 1.4 triệu cp riêng lẻ tăng vốn điều lệ Công ty cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến 10,000 đồng/cp. Nếu thành công, vốn điều lệ của TTG sẽ tăng lên 35 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4/2023 và năm 2024, sau khi có chấp thuận từ UBCKNN.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 14 tỷ đồng sẽ được dùng bổ sung nguồn vốn để tiến hành nâng cấp, cải tạo nhà xưởng sản xuất; bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán khoản nợ của Công ty.
Thông qua kế hoạch trên, ĐHĐCĐ cũng thống nhất việc đầu tư vốn nâng cấp, cải tạo nhà xưởng sản xuất của Công ty tại địa chỉ Lô 1 - CN3, cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự kiến 4 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2024, sau khi Công ty thu xếp được nguồn vốn triển khai.
Cuối cùng, cổ đông TTG còn thông qua việc góp vốn thành lập Công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt, các nguyên liệu của ngành dệt và/ hoặc các lĩnh vực mà TTG đã, đang hoạt động và dự kiến triển khai trong thời gian tới. Giá trị vốn góp của TTG dự kiến tối đa không quá 4 tỷ đồng.
Giữa loạt biến động, TTG kinh doanh ra sao?
May Thanh Trì (TTG) tiền thân là xí nghiệp may xuất khẩu Thanh Trì được thành lập tháng 6/1996, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm may mặc. Năm 2008, Công ty chuyển đổi sang mô hình CTCP và cổ phiếu TTG được giao dịch trên UPCoM từ tháng 1/2010. Vốn điều lệ của Công ty hiện ở mức 20 tỷ đồng.
Từ khi cổ phần hóa, TTG kinh doanh không mấy hiệu quả. Công ty đạt đỉnh doanh thu 112 tỷ đồng vào năm 2014 nhưng giảm dần đều, chỉ đạt vài chục tỷ trong những năm tiếp theo.
Kết quả, Công ty chỉ lãi mỏng vài trăm triệu, thậm chí mức cao nhất chỉ 2 tỷ đồng vào năm 2014. Giai đoạn 2020-2022, TTG ghi lỗ 3 năm liên tiếp, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID, trong đó lỗ kỷ lục gần 12 tỷ đồng năm 2020. Với kết quả kinh doanh kém tích cực thời gian qua, Công ty lỗ lũy kế hơn 17 tỷ đồng tại cuối năm 2022, dẫn đến vốn chủ sở hữu còn chưa đầy 4 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng theo năm của TTG từ khi cổ phần hóa |
|
Về quy mô, tổng tài sản của TTG đạt gần 9 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, giảm gần 500 triệu đồng so với đầu năm. Phần lớn trong đó là các khoản phải thu ngắn hạn gần 4 tỷ đồng; hàng tồn kho khoảng 2.5 tỷ đồng và Công ty đang có hơn 257 triệu đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Nợ phải trả gần 5 tỷ đồng, tăng gần 1 tỷ đồng. Sự gia tăng đến từ phải trả ngắn hạn khác gần 3 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm, do phát sinh gần 1.6 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội (đầu năm không ghi nhận). Công ty không vay nợ tài chính.
Tại cuối năm 2022, số lượng lao động của TTG là 206 người, giảm 25 người so với năm 2021. Trong khi đó, khoản chi phí nhân công trong năm 2022 là 21.6 tỷ đồng, tăng gần 1 tỷ đồng so với năm trước. Hơn nữa, khoản phải trả người lao động trong danh mục nợ ngắn hạn còn hơn 1.1 tỷ đồng.
Thế Mạnh
FILI
|