Quý 3 lãi gấp 7 lần cùng kỳ, BSR vượt gần 3 lần kế hoạch lợi nhuận năm
Nhờ chênh lệch cracking spread (khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô) tốt hơn cùng kỳ, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đạt mức lợi nhuận khủng trong quý 3/2023, qua đó vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm.
Các chỉ tiêu kinh doanh của BSR trong quý 3/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 3, BSR đạt gần 37.8 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn cùng kỳ 5%. Tuy nhiên, giá vốn giảm tới 13%, ghi nhận gần 34 ngàn tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, BSR lãi gộp hơn 3.8 ngàn tỷ đồng, gấp gần 6 lần quý 3/2022.
Với lãi gộp tăng mạnh, các chỉ tiêu khác dù biến động cũng tác động không đáng kể. Kết quả, BSR lãi ròng gần 3.3 ngàn tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ.
Doanh nghiệp cho biết giá dầu thô biến động tăng trong quý 3/2023, từ khoảng 80 USD/thùng trung bình tháng 7 đến 94 USD/thùng trung bình tháng 9. Trong khi đó, quý 3/2022 giảm từ 112.7 USD/thùng còn 89.87 USD/thùng trong cùng giai đoạn. Ngoài ra, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô (cracking spread) quý 3/2023 tốt hơn cùng kỳ. Do vậy, BSR đạt được kết quả thuận lợi hơn cùng kỳ.
Sau 9 tháng, BSR ghi nhận hơn 105 ngàn tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt hơn 6.2 ngàn tỷ đồng, giảm 52%. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, BSR vượt 10% mục tiêu doanh thu và vượt 279% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.
Tại ĐHĐCĐ 2023, Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương cho biết mục tiêu giảm lãi là điều tất yếu vì năm 2022 đã đạt kết quả kỷ lục, trong khi năm nay được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kế hoạch này có khả năng được điều chỉnh, sau khi kế hoạch bảo dưỡng toàn bộ (TA5) đối với NMLD Dung Quất được dời lại sang đầu năm 2024.
Thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của BSR tăng hơn 13%, lên gần 89 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền nắm giữ lên hơn 36 ngàn tỷ đồng (gồm tiền mặt, các khoản tương đương và tiền gửi), hơn đầu năm 46%. Giá trị hàng tồn kho hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng 8%.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm nhẹ còn 1.2 ngàn tỷ đồng, hầu hết là chi phí cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất (DQRE).
Phía nguồn vốn, hầu hết nợ phải trả của Doanh nghiệp là nợ ngắn hạn, ghi nhận hơn 33 ngàn tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn đạt hơn 7.9 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 12%, là các khoản vay ngân hàng.
Hồng Đức
FILI
|