Phần lớn hồ sơ được hoàn thuế tự động chỉ trong 2 - 3 phút Việc triển khai hệ thống tự động phân loại hồ sơ hoàn thuế đã giúp doanh nghiệp không còn bức xúc vì chậm hoàn thuế nhưng vẫn chặn được gian lận. Từ đầu tháng 11-2023, hồ sơ hoàn thuế của DN đã được xử lí bằng hệ thống tự động phân loại hồ sơ hoàn thuế. Hồ sơ hoàn thuế của DN sẽ được phân tích các dữ liệu thuế dựa trên nhiều tiêu chí. Thông tin trên được ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế) - chia sẻ tại Diễn đàn thuế - Hải quan năm 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, tổ chức chiều 8-11, tại Hà Nội. Chia sẻ thêm, ông Toàn cho biết, hệ thống cũng có thể lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro, từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Dữ liệu được phân tích tổng hợp từ dữ liệu hóa đơn, khai thuế, nộp thuế, nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính… Nhờ đó, hỗ trợ cơ quan thuế phân loại nhanh các hồ sơ hoàn thuế, tạo thuận lợi cho DN. Với hồ sơ ở dạng hoàn trước, kiểm sau, hệ thống chỉ mất 2 - 3 phút để xử lý và cơ quan thuế làm thủ tục hoàn thuế. Với hồ sơ kiểm trước, hoàn sau, hệ thống sẽ đưa ra các chỉ số, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ thuế mà chủ yếu dựa trên dữ liệu lịch sử của DN. Nhờ đó, đối xử công bằng, minh bạch hơn với DN. Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023, được tổ chức chiều 8-11. Ảnh: Minh Trúc | Theo thống kê từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT, tương ứng số thuế đề nghị hoàn trên 700.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước. Với việc phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế tự động, việc hoàn thuế nhanh hơn, không để DN bị đứt gãy dòng tiền vì chậm hoàn thuế như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện cơ quan thuế tiếp nhận trên 10 triệu hoá đơn phát hành mỗi ngày trên cả nước, dự kiến con số này sẽ lên tới 30 - 50 triệu hoá đơn/ngày khi đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Do đó, cơ quan thuế sẽ tích cực áp dụng công nghệ trong quản lý thuế, thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân AI trong việc truy vết, xác định chuỗi liên kết mua bán của DN theo thông tin về mặt hàng trên dữ liệu hóa đơn của DN. Theo đó, cơ quan thuế sẽ nắm trong tay chuỗi liên kết mua bán của DN để xác định các trường hợp mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ông Toàn dẫn chứng doanh nghiệp A xuất hoá đơn cho doanh nghiệp B, C, cơ quan quản lý sẽ biết được hoá đơn xuất đúng không, mua hàng thật không, từ đó, hệ thống phát cảnh báo sớm và giúp cơ quan thuế kiểm soát gian lận hoá đơn. Đối với ngành hải quan, Ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) - cho biết đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, 99% DN tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây. Chia sẻ thêm về định hướng chuyển đổi số, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử. Cụ thể, một, xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn. Hai, mở rộng các dịch vụ thuế điện tử. Ba, chatbot hỗ trợ người nộp thuế thông qua trí tuệ nhân tạo, chat GPT... Bốn, mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch. Năm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số. MINH TRÚC Pháp luật TPHCM
|