Ông Phan Văn Mãi: Phải đầu tư 30-50% nguồn lực quốc gia, Đông Nam Bộ mới bứt tốc
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30%-50% nguồn lực quốc gia, Đông Nam Bộ mới có được sự bứt tốc trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biếu tại hội nghị.
|
Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ hai vào chiều 26/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ, cần phải chọn kịch bản phát triển cao nên phải rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự phát triển theo kịch bản cao.
Với lịch sử phát triển Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, phải đặt điều kiện là quốc gia phải đầu tư và thậm chí có những giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30-50% nguồn lực quốc gia, mới có được sự bứt tốc trong thời gian tới.
"Từ đây đến năm 2030, có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau và không đặt lại vấn đề cơ chế cũ nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng cần tiếp cận có sự đột phá", ông Mãi nhìn nhận.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, đối với phân vùng không gian kinh tế, cần xác định vùng Đông Nam Bộ là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hay là công nghiệp - dịch vụ - công nghiệp. Cần mạnh dạn xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ và cũng cần có sự mở rộng không gian kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ mà nhận lãnh vai trò của khoa học, công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Từ đó, lan tỏa các vùng khác và cả nước, đồng thời, tiếp nhận từ khu vực và thế giới.
Trên tinh thần đó, tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu cần được đặt lại cho đúng vị thế một tứ giác năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và năng động tầm châu Á và thế giới sau đó. Dĩ nhiên, đi cùng với đó là sự đầu tư cơ chế, chính sách, nguồn lực.
Về không gian đô thị, ông Phan Văn Mãi cho biết đây là đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh.
Về trục của hệ thống sông Đồng Nai, ông Phan Văn Mãi đề xuất đây có thể là trục chính của Vùng, cần nghiên cứu kỹ vì rất có tiềm năng để lấy làm trung tâm phát triển của Vùng. Trong đó, không chỉ có nguồn nước, sinh thái cảnh quan mà còn có thể phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp xoay quanh hệ thống sông Đồng Nai này. Ông Phan Văn Mãi nói nếu nghiên cứu kỹ các không gian này sẽ giúp Vùng Đông Nam Bộ "sắc nét", thực hiện được vai trò đầu tàu.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị không nên hạn chế năng lực phát triển của hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và cả cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thậm chí có thể nhân đôi, nhân ba năng lực này, tạo động lực hạ tầng, nhằm kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay trở ngược ra miền Trung.
"Giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long hay với Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung là một việc rất quan trọng. Bởi Vùng Đông Nam Bộ được xác định là đầu mối lớn, là đầu tàu, có tầm vóc khu vực, châu Á và thế giới", ông Phan Văn Mãi nói.
Tùng Phong
FILI
|