Thứ Hai, 13/11/2023 07:02

Những băn khoăn xung quanh ‘siêu’ dự án sân bay Long Thành

Cần thiết bố trí bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, tránh việc chậm trễ kéo dài gây lãng phí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhưng bố trí nguồn vốn ra sao để phù hợp với các quy định pháp luật là vấn đề khiến không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Công trường thi công sân bay Long Thành. Ảnh: Minh Hoàng.

Tuần qua, Quốc hội đã dành hơn nửa thời gian làm việc sáng 9-11 để thảo luận những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc xung quanh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được quy hoạch từ năm 1997, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến ngày 5-1-2021, công trình mới chính thức khởi công giai đoạn 1. Giai đoạn này dự kiến hoàn thành vào năm 2025, khi đó sân bay sẽ có công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 38/2017/QH14 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã được thu hồi. UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành từ cuối năm 2017.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đã xuất hiện những vướng mắc, khó khăn. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công cho dự án đến hết năm 2024.

Đây là những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và bày tỏ không ít ý kiến băn khoăn.

“Điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng và tái định cư

“Điểm nghẽn lớn nhất ở Đồng Nai trong dự án sân bay Long Thành là giải phóng mặt bằng, nếu không có cơ chế thì Đồng Nai sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ dự án” là nhận định của ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong buổi làm với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác Chính phủ chiều ngày 16-10 tại Đồng Nai.

Theo ông Thọ, tuyến giao thông kết nối đến sân bay Long Thành là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nhưng địa phương chỉ bàn giao được diện tích quá nhỏ. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng những tuyến giao thông kết nối sân bay đang gặp khó khăn như T1 và T2, tiến độ xây dựng khu tái định cư chưa đáp ứng. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần bổ sung nhân lực, tập trung tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm.

Vấn đề này tiếp tục được đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nêu tại nghị trường trong phiên thảo luận sáng 9-11.

Bà cho biết tỉnh Đồng Nai đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1. Tuy vậy, trên thực tế, tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn.

Lý do nêu là khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, đại biểu cho rằng đây không phải lý do chính. Bởi quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021, trong khi Covid-19 diễn ra tại Đồng Nai là vào giữa năm 2021.

Về yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021, đây là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm.

Đại biểu Hoa đặt vấn đề về việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, dự kiến sẽ xong vào năm 2025.

“Liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?”, đại biểu Hoa nêu câu hỏi và đề nghị có một cam kết rõ ràng từ Chính phủ về vấn đề này.

Trước đó, thảo luận tại Tổ 14 vào chiều 27-10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết thời gian triển khai dự án theo Nghị quyết 53 bắt đầu từ những năm 2017, trong khi đến cuối năm 2020, dịch Covid-19 mới trở nên trầm trọng. Vì vậy, việc nêu nguyên nhân chính của chậm trễ là do dịch bệnh Covid-19 là chưa thuyết phục.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo của Chính phủ cũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, song một phần của vấn đề cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.

Theo bà Nga, khi lập dự án, năng lực dự báo chưa tốt nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị, trong quá trình rà soát, phải đánh giá một cách chính xác hơn nữa các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan để có thể tìm ra giải pháp.

Qua nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh chung các nội dung điều chỉnh, đại biểu Nga cũng bày tỏ băn khoăn với một số vấn đề như công tác triển khai các dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của dự án.

“Toàn bộ dự án dù được triển khai từ năm 2017 tới nay, mới chỉ dừng lại ở mức điều tra, khảo sát, cấp phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phát phiếu đăng ký học nghề… Tuy nhiên, các công tác này chưa hề có kết quả nào rõ rệt, thời gian còn lại để thực hiện dự án không nhiều”, đại biểu Nga chỉ rõ sự chậm trễ.

Cũng theo bà Nga, các cơ quan chức năng cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng do phải bàn giao đất, di dời chỗ ở để thực hiện dự án. Ngoài ra, còn là những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh nhà ở xã hội thành đất phân lô, đất cây xanh bị giảm đi đáng kể cũng cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Những thách thức về bố trí nguồn vốn

Liên quan dự án này, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 2.510 tỉ đồng trong 6.157 tỉ đồng chưa giải ngân – là vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được bố trí – sang năm 2024. Hiện số vốn này đã được hủy dự toán trên hệ thống và đang kết dư vào ngân sách tỉnh Đồng Nai.

Chính phủ đề nghị kéo dài giải ngân vốn bồi thường hỗ trợ hơn 2.500 tỷ đồng sang năm 2024, song theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, thì đây thực chất là khoản ngân sách của năm 2021 đã được Quốc hội quyết toán.

“Không lẽ Quốc hội lại đồng ý bổ sung vào khoản đã quyết toán?”, ông nói và đề nghị khi bố trí cần ghi rõ vốn của kế hoạch trung hạn và dự toán năm nào.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh bố trí vốn là yêu cầu cấp bách để triển khai ngay dự án sân bay Long Thành. Nhưng vướng mắc là làm thế nào để tiếp tục có vốn.

Vị này cho biết  quy định tại Điều 68 của Luật Đầu tư công cho biết thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31-1 của năm đầu tiên thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

Còn thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến hết ngày 31-1 của năm sau. Với trường hợp bất khả kháng thì Thủ tướng quyết định với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định với vốn ngân sách địa phương về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện, nhưng không quá ngày 31-12 của năm sau.

Như vậy, số vốn kế hoạch của dự án sân bay Long Thành, giai đoạn 2016-2020, phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31-1-2021. Còn số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022 và có thể được kéo dài đến hết ngày 31-12-2022 theo quyết định của Thủ tướng.

Điều này khiến đại biểu Giang, dù tán thành việc bổ sung vốn cho dự án, nhưng lại cho rằng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và thiếu cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét quyết định.

“Nếu nay trình kéo dài vốn của năm 2021 là không hợp lý bởi không thể bố trí khoản mà Quốc hội đã quyết toán, đã chốt và không có chuyển nguồn”, đại biểu Giang phân tích.

Để giải quyết khó khăn, đại biểu Giang và đại biểu Toàn đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời là cơ sở để cân đối thu chi, tính toán bội chi và sau này có quyết toán. Việc này vừa tạo điều kiện để sau này Quốc hội quyết toán, cũng như giải quyết được vấn đề giải ngân của địa phương cho dự án này nhờ bố trí vào dự toán ngân sách của năm 2024.

Còn đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài để có cơ sở cho tỉnh Đồng Nai tiếp tục chi trả, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán dự án giải phóng bằng đến hết năm 2024. Còn ngân sách Trung ương sẽ cấp bổ sung vốn cho dự án, nếu không kéo dài thời hạn thanh toán thì việc cấp bổ sung vốn sẽ chia làm hai đợt.

Đợt thứ nhất sẽ cấp ngay trong năm 2024. Đợt thứ hai sẽ cấp khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định phê duyệt quyết toán số vốn cấp đợt thứ nhất do Chính phủ đề xuất và đưa vào kế hoạch vốn năm 2024.

Kiến nghị này được đại biểu Thịnh đưa ra dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, dự án vẫn có sự thay đổi về số liệu thanh quyết toán do chưa kết thúc công việc chi trả đầy đủ các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có các dự án đầu tư vào hạ tầng tái định cư.

Thứ hai, có sự điều chỉnh về phạm vi giải phóng mặt bằng và địa phương sẽ sử dụng một phần diện tích đã giải phóng mặt bằng vào nhiệm vụ tạo quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, bên cạnh quỹ đất tái định cư cho người dân và bố trí các thiết chế xã hội phục vụ người dân tái định cư.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thông hầm số 2 cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn vào cuối năm 2023 (12/11/2023)

>   Sắp xây loạt trường công ở điểm nóng Hoàng Mai; mua đất 10 năm chưa được xây nhà (12/11/2023)

>   Đề xuất chuyển 225 tỉ đồng dự án cao tốc sang dự án cầu Rạch Miễu 2 (11/11/2023)

>   HoREA góp ý về quy định ‘bật đèn xanh’ cho ngân hàng kinh doanh bất động sản (11/11/2023)

>   Tiến độ di dời nghĩa trang tự phát lớn nhất TP.HCM; lộ diện chủ dự án 12.000 tỷ (11/11/2023)

>   Nam Định đấu giá hơn 400 thửa đất, khởi điểm từ 2,5 triệu đồng/m2 (11/11/2023)

>   Hơn 1.600 tỉ đồng bồi thường dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (11/11/2023)

>   Trung Quốc muốn hãng bảo hiểm giải cứu đại gia bất động sản (11/11/2023)

>   Bộ Giao thông Vận tải: Cao tốc qua Bạc Liêu đang chậm vì vướng mặt bằng (10/11/2023)

>   Diễn biến mới vụ thu hồi đất dự án trưng bày cà phê của Trung Nguyên (10/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật