Một công ty chứng khoán muốn tăng vốn gấp 16 lần, rục rịch quay lại đường đua
CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 3,888 tỷ đồng, gấp gần 16 lần.
Tăng vốn gấp 16 lần, tham gia lại nhiều mảng kinh doanh chứng khoán
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 mới công bố, LPBS dự kiến chào bán tối đa 363.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 1,000:14,552 (cổ đông sở hữu 1 cp được hưởng 1 quyền, 1,000 quyền được mua thêm 14,552 cp mới). Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ Chứng khoán LPBank sẽ gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng hiện tại lên 3,888 tỷ đồng.
LPBS dự kiến tăng vốn từ 250 tỷ đồng hiện tại lên 3,888 tỷ đồng
|
Một nội dung khác tại đại hội, Công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc đăng ký thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thành viên bù trừ của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Đồng thời, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng các dịch vụ và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, LPBS sẽ trình phương án cung cấp bổ sung các dịch vụ gồm dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán; dịch vụ cho vay tiền mua chứng khoán để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán; dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Trong quá khứ, LPBS đã chấm dứt tư cách thành viên HOSE và HNX từ năm 2013. Hiện tại, Công ty chỉ cung cấp một số sản phẩm như quản lý cổ đông, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, tư vấn và tổ chức đấu giá.
Doanh thu môi giới của LPBS từ năm 2013-2022 |
|
Lợi nhuận sau thuế của LPBS từ năm 2013-2022 |
|
Động thái tăng vốn của LPBS càng thể hiện rõ mong muốn trở lại cuộc đua của ngành chứng khoán. Dự kiến, Công ty sẽ thu được 3,684 tỷ đồng từ đợt chào bán. Số tiền này sẽ được Công ty dùng bổ sung vốn kinh doanh, dự kiến giải ngân năm 2024-2025.
Cụ thể, Công ty sử dụng 500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh; 200 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới chi nhánh tại các tỉnh thành phố (như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An,...); 2,938 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác.
Những biến động thượng tầng tại LPBS sau thời Him Lam
Chứng khoán LPBS tiền thân là Chứng khoán Viettraninmex. Công ty đổi tên thành Chứng khoán Liên Việt (LVS) vào năm 2010. Tháng 9 vừa qua, Công ty đổi tên thành Chứng khoán LPBank.
Năm 2017, LPBS có biến động cổ đông lớn khi CTCP Him Lam chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 223.75 tỷ đồng, tương đương 89.5% vốn của doanh nghiệp này, cho bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Vào tháng 7/2017, ông Dương Công Minh cũng đã nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT cho bà Hồng.
Tập đoàn Him Lam và ông Dương Công Minh rút khỏi LPBS sau diễn biến Him Lam thoái hết vốn khỏi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank, sau đổi thành LPBank), để rồi doanh nhân họ Dương sau đó chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đầu tháng 7/2017.
Cơ cấu cổ đông của LPBS năm 2017
Nguồn: LPBS
|
Mới đây, bộ máy lãnh đạo của LPBS tiếp tục thay đổi, bà Vũ Thanh Huệ được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT thay cho bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Bà Huệ sinh năm 1985, có bằng cử nhân luật do Đại học Luật Hà Nội cấp. Bà Huệ hiện là Phó Tổng Giám đốc CTCP Thaiholdings; Thành viên HĐQT CTCP Thẩm định giá Tràng An; và Chủ tịch HĐQT CTCP Mua bán nợ AMT.
Trước Thaiholdings, Tân Chủ tịch LPBS có 15 năm kinh nghiệm công tác tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp như CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB; CTCP Tập đoàn F.I.T; Công ty Luật TNHH Vietthink. Tới tháng 8/2023, bà Huệ nắm 9% vốn của LPBS.
Trở lại câu chuyện biến động cổ đông, tháng 7/2023, bà Nguyễn Thị Bích Hồng chuyển nhượng phần lớn số vốn đang nắm giữ tại LPBS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 89.5% xuống còn 5.5%. Cùng ngày, một cá nhân khác là bà Phạm Thu Hằng nhận chuyển nhượng 66% vốn. Số vốn còn lại bà Hồng thoái ra không được công bố người nhận.
Giao dịch cổ phiếu LPBS ngày 13/07/2023
Nguồn: LPBS
|
Trên BCTC quý 3/2023, Công ty thể hiện danh sách cổ đông gồm 2 cá nhân, 1 tổ chức và các cổ đông khác. Trong đó, bà Nguyễn Thị Bích Hồng nắm 5.5% vốn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt nắm 5.5% và ông Nguyễn Bá Khoát nắm 5%.
Cơ cấu cổ đông của LPBS năm 2023
Nguồn: LPBS
|
Ngày 22/11, Công ty công bố về giao dịch cổ đông trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 10% vốn, tuy nhiên, chi tiết giao dịch vẫn chưa được tiết lộ.
Tại ĐHĐCĐ bất thường tới, LPBS sẽ trình phương án bầu bổ sung thành viên mới thay thế 2 thành viên HĐQT đã có đơn từ nhiệm. Cụ thể, Công ty đồng ý miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Dương Công Vịnh và bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT, trong đó bầu thay thế 1 thành viên độc lập cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028; và bầu thêm 2 thành viên thay thế và bổ sung thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028 để nâng số lượng thành viên HĐQT từ 4 lên 5 thành viên.
Yến Chi
FILI
|