Thứ Năm, 23/11/2023 11:00

Mãi vòng luẩn quẩn lãi giảm, doanh nghiệp gỗ chờ “thoát đáy” mùa cao điểm cuối năm

Giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp ngành gỗ gần như không có đơn hàng xuất khẩu, phải hoạt động cầm chừng. Nhưng mùa mua sắm cuối năm đang giúp đơn hàng trở lại và là tín hiệu tích cực báo hiệu các doanh nghiệp sẽ hồi phục.

Xuất khẩu gỗ dè dặt hồi phục

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu quý 3/2023, tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu khả quan, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng đều vượt 1 tỷ USD.

Sang tháng 10/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1.2 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, dù còn tăng trưởng âm song đà giảm đã thu hẹp lại trong các tháng vừa qua.

Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 10.8 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ, nhưng tính đến hết tháng 10, đây là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.

Điều này thể hiện ngành gỗ đang có sự bứt tốc ở quý cuối cùng của năm và là tín hiệu cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đang dần hồi phục. Dù vậy, xét từ đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều thị trường vẫn bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ trong quý 3.

Doanh nghiệp chưa kịp “bắt nhịp”

Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, trong 14 doanh nghiệp ngành gỗ (trên HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, có tới 9 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và duy nhất 1 doanh nghiệp tăng lãi.

Tổng doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp ngành gỗ quý 3/2023 đạt gần 4,067 tỷ đồng và hơn 266 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 47% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Đi ngược với gam màu tối của ngành gỗ, chỉ riêng Tổng Công ty Pisico Bình Định (Pisico, UPCoM: PIS) lãi gần 3 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, thực tế tại PIS là doanh thu tăng nhưng lãi gộp giảm, biên lãi gộp thu hẹp.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 457 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ do sản phẩm lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp hơn 430 tỷ đồng, tăng 1%. Song, mảng này biên lãi gộp giảm còn 10%, đã kéo lùi biên lãi gộp chung.

Còn gây thất vọng nhất là Gỗ MDF VRG - Quảng Trị (UPCoM: MDF) kết thúc quý 3 với mức lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại cuối tháng 9 lên hơn 31 tỷ đồng. Công ty cho biết, do ảnh hưởng bởi giá bán và sản lượng tiêu thụ đều giảm khiến doanh thu giảm 37%, cùng với giá vốn giảm chậm kéo biên lãi gộp xuống 6%, từ mức 9% cùng kỳ.

“Ông lớn” ngành gỗ - Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đánh dấu quý thứ hai lỗ liên tiếp với hơn 6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu TTF tiếp tục bị cảnh báo do lỗ lũy kế tăng lên gần 3,129 tỷ đồng tại ngày 30/09/2023.

Kết quả thua lỗ do TTF chấp nhận tăng tỷ trọng số lượng đơn hàng có biên lợi nhuận thấp trong quý 3 để tiếp tục tăng trưởng doanh thu. Thực tế, dù doanh thu tăng 8%, song giá vốn lại tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp co hẹp từ mức 21% cùng kỳ còn 16%.

Biên lãi gộp của các doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết trong quý 3
Nguồn: VietstockFinance

Tại doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ trang trí bằng gỗ - Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (HOSE: NHT) chứng kiến doanh thu lao dốc từ 234 tỷ đồng cùng kỳ còn 46 tỷ đồng, tương ứng giảm 80%, chủ yếu do sức mua ở các thị trường xuất khẩu chính sụt giảm. Doanh thu quá thấp dưới mức hòa vốn, NHT gánh lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16 tỷ đồng.

Hay như Xuân Hòa Việt Nam (UPCoM: XHC) phải chịu lỗ hơn 500 triệu đồng, kém xa so với con số lãi 30 tỷ đồng của quý 3/2022. Công ty cho biết, do phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, tăng chi phí cho hoạt động sản xuất dẫn đến kết quả thua lỗ.

Guồng quay lãi giảm

Tuy không đến mức thua lỗ, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh. Dẫn đầu là Đầu tư BKG Việt Nam (HOSE: BKG) với lãi ròng chưa đủ 3 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu giảm hơn 66% dù đã tiết giảm phần lớn các chi phí.

Tương tự, doanh thu giảm cùng với gánh nặng chi phí lãi vay khiến lãi ròng của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long (HOSE: TLD) lao dốc 74% so với cùng kỳ, còn hơn 500 triệu đồng – mức thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết (năm 2017).

Nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận lãi ròng giảm mạnh từ 30 - 70% so với cùng kỳ là Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, HNX: VIF), Phú Tài (HOSE: PTB).

Gây chú ý hơn cả, sự kiện hãng nội thất hơn 30 năm tuổi Noble House (Mỹ) - một khách hàng của Phú Tài - nộp đơn xin phá sản khiến giới đầu tư lo ngại các tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của PTB.

Phản hồi thông tin trên, PTB cho biết, Noble House chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 5%) trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường Mỹ. Sự kiện Noble House không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Giữa lúc đối tác xin phá sản, PTB bất ngờ chuyển hướng kinh doanh khi quyết định thành lập công ty con - Công ty TNHH MTV Phú Tài Home vốn 50 tỷ đồng, do Phú Tài sở hữu 100% vốn. Đơn vị này sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực hoàn thiện công trình xây dựng.

Tiếp đó, PTB thông báo chấm dứt hoạt động một chi nhánh tại tỉnh Đăk Nông với lý do thực hiện tái cơ cấu tổ chức các đơn vị thành viên Công ty. Tính đến ngày 30/09/2023, Phú Tài sở hữu 18 công ty con, 2 công ty liên kết, và 17 đơn vị trực thuộc.

Chưa doanh nghiệp nào cán đích lợi nhuận sớm

Đi qua được 3/4 chặng đường nhưng chưa có doanh nghiệp ngành gỗ nào cán đích mục tiêu lợi nhuận năm. Chế biến Gỗ Thuận An (HOSE: GTA) là cái tên khả thi nhất khi đã thực hiện được 89% mục tiêu lợi nhuận.

Có tới 6 doanh nghiệp chưa thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận 2023  với các tên tuổi lớn như Gỗ An Cường (HOSE: ACG), Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT)... Thê thảm hơn, ba doanh nghiệp gồm MDF, NHTTTF còn chưa thể có lãi sau 9 tháng.

Tiến độ thực hiện kế hoạch năm sau 9 tháng của các doanh nghiệp ngành gỗ
(Đvt: Tỷ đồng)
(*) Thực hiện lãi trước thuế, Nguồn: VietstockFinance

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   Petrosetco tiếp tục ghi tên ở vị thế cao trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 (23/11/2023)

>   MBB: MBB.CBTT về việc Thay đổi tên gọi Chi nhánh và PGD trực thuộc (22/11/2023)

>   MBB: MBB.CBTT về việc Thay đổi địa chỉ PGD Chí Linh Hải Dương (22/11/2023)

>   MBB: MBB.CBTT về việc Thay đổi tên Chi nhánh và thay đổi tên gọi PGD (22/11/2023)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 23/11/2023 (22/11/2023)

>   VVS: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (22/11/2023)

>   FUESSVFL: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 21/11/2023 (22/11/2023)

>   DPG: Quyết định của HĐQT về việc vay vốn, bảo lãnh tại NH SHB - Chi nhánh Thăng Long (22/11/2023)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 20/11/2023 (22/11/2023)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 20/11/2023 (22/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật