Lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm quý 3, VNR vẫn sống khỏe nhờ hơn 3,000 tỷ tiền gửi
Với hơn 3,000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn và dài, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, HNX: VNR) thu về lợi nhuận hoạt động tài chính quý 3/2023 hơn 95 tỷ đồng, gấp 2.8 lần cùng kỳ. Nhờ đó, Công ty vẫn có lãi ròng gần 51 tỷ đồng, dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ gộp gần 32 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3 năm nay, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm của VNR tăng 6% so với cùng kỳ, đạt gần 410 tỷ đồng, do doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng 20% lên gần 723 tỷ đồng, nhưng chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng mạnh hơn, tăng 30% so cùng kỳ lên hơn 334 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VNR ghi nhận kết quả kinh doanh bảo hiểm tiêu cực so với cùng kỳ khi chuyển từ lãi gộp hơn 68 tỷ đồng sang lỗ gộp gần 32 tỷ đồng, do chi phí tăng mạnh hơn doanh thu. Trong đó, tổng chi phí bồi thường bảo hiểm và chi phí khác tăng lần lượt 40% và 38% so với cùng kỳ, lên gần 138 tỷ đồng và gần 301 tỷ đồng.
Dù vậy, hoạt động tài chính có lợi nhuận gấp 2.8 lần cùng kỳ, lên hơn 95 tỷ đồng; chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động tài chính gấp 2.3 lần, đạt hơn 96 tỷ đồng. Qua đó, dù hoạt động kinh doanh chính là bảo hiểm lỗ gộp, VNR vẫn có lợi nhuận ròng gần 51 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, VNR đạt gần 368 tỷ đồng lãi ròng, tăng 45% so cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 31% còn hơn 136 tỷ đồng nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính gấp 2.4 lần, đạt hơn 358 tỷ đồng.
Năm 2023, VNR đặt mục tiêu đạt 460 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ 5% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, Công ty thực hiện được 95% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.
Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản của VNR tăng 15% so với đầu năm, đạt gần 8,170 tỷ đồng. Tài sản phần lớn là đầu tư tài chính với gần 2,768 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và hơn 2,001 tỷ đồng đầu tư dài hạn, tăng lần lượt 13% và 3% so với đầu năm.
Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi gần 2,653 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và gần 115 tỷ đồng ủy thác đầu tư, tăng 8% (đây là khoản đầu tư ủy thác của Tổng Công ty thông qua Công ty quản lý quỹ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCBF).
Đầu tư tài chính dài hạn gồm 760 tỷ đồng trái phiếu (tăng 12%); ủy thác đầu tư dài hạn gần 197 tỷ đồng (tăng 5%) và 376 tỷ đồng tiền gửi (giảm 15%).
Nợ phải trả phần lớn đều là nợ ngắn hạn, chủ yếu là khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm gần 3,202 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Khang Di
FILI
|