Thứ Tư, 08/11/2023 15:11

Lấy ý kiến quy hoạch đất đai sao cho thực chất?

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, được xem là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trong các cuộc họp có liên quan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải quy định việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức. Tuy nhiên, sau nhiều lần hiệu chỉnh, vấn đề lấy ý kiến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn thiếu thiết thực.

Cần minh định rõ quy trình lấy ý kiến

Nếu như tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 có một điều khoản mở giao Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì trong quy định tại Điều 70 dự thảo Luật Đất đai lại hoàn toàn bỏ quy định này. Điều này có nghĩa là quy định về lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch tại Điều 70 theo quan điểm của cơ quan soạn thảo đã đầy đủ các nội dung mà không cần được hướng dẫn, quy định chi tiết thêm. Tuy nhiên, cả 04 khoản tại Điều 70, chúng ta có thể nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa được minh định rõ ràng.

Trước hết, về đối tượng được lấy ý kiến, dự thảo Luật vẫn chưa xác định cụ thể được những đối tượng nào thuộc phạm vi lấy ý kiến. Cụ thể, khái niệm “cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan” tại Điều 70 bao gồm những đối tượng nào, làm thế nào để xác định những đối tượng “có liên quan” để lấy ý kiến vẫn còn bỏ ngỏ.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ nội hàm của “cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan” bao gồm những đối tượng nào, là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp hay tất cả đối tượng có liên quan?

Quy hoạch sử dụng đất cần một tỷ lệ đồng thuận nhất định để đạt được hiệu quả trên thực tế. Ảnh: Minh Hoàng

Bên cạnh đó, trong trường hợp lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, khoản 3 Điều 70 quy định cơ quan lập quy hoạch có thể lấy ý kiến thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn. Như vậy, “các hộ gia đình, cá nhân đại diện” này được xác định như thể nào, tỷ lệ đại diện bao nhiêu?

Theo đó, để hiệu quả cần thiết bổ sung quy định về tỷ lệ tối thiểu của đại diện các hộ dân thuộc cộng đồng khu vực quy hoạch được lấy ý kiến, bảo đảm kết quả cuộc họp lấy ý kiến là kết quả đại diện cho ý chí của đa số hộ dân.

Về quy trình tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến, thực tế thời gian qua cho thấy, việc thiếu những quy định chung về quy trình tổ chức lấy ý kiến đã khiến cho không ít cơ quan, đơn vị lúng túng khi thực hiện. Như vậy, trong dự thảo Luật cần thiết phải quy định những nguyên tắc chung trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhưng có thể tạo điều kiện để các địa phương vận dụng linh hoạt, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, địa phương, từng đối tượng lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, tại các cuộc họp lấy ý kiến, có thể quy định bắt buộc phải mời đại biểu từ các cơ quan dân cử, tư pháp, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân,… để giám sát của nhằm đảm bảo quy trình lấy ý kiến diễn ra minh bạch.

Nên có quy định về tỷ lệ đồng thuận

Về vai trò, ý nghĩa của việc lấy ý kiến và các ý kiến góp ý cũng là vấn đề cần cân nhắc sao cho hiệu quả. Cần nhìn nhận lại việc lấy ý kiến chỉ mang tính tham khảo, hay quyết định đối với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thực tiễn cho thấy, do chưa xác định được mục địch hướng đến của việc lấy ý kiến khiến cho việc lấy ý kiến được tổ chức chủ yếu mang tính hình thức, thiếu thực chất. Điều này khiến hiệu quả trên thực tế chưa cao, chưa huy động rộng rãi quan điểm, trí tuệ của nhân dân đóng góp vào dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chính từ nguyên nhân này dẫn đến nhiều quan điểm cho rằng, cần thiết phải quy định tỷ lệ đồng thuận để quy hoạch được thông qua khi lấy ý kiến nhân dân. Mặc dù quy định này có điểm tiến bộ là phát huy mạnh mẽ yếu tổ dân chủ nhưng có thể khiến cho quy hoạch chậm được thông qua, dẫn đến không thể phê duyệt các quy hoạch cấp dưới. Đây có thể là yếu tố làm chậm tiến độ triển khai thu hút đầu tư, khởi công các công trình, dự án phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội…

Sau nhiều lần hiệu chỉnh, vấn đề lấy ý kiến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn thiếu thiết thực. Ảnh minh họa: DNCC

Do đó, các quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên có thể chỉ là tham khảo, nhưng phải bảo đảm việc lấy ý kiến diễn ra khách quan, minh bạch, có giám sát chặt chẽ. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì phải bắt buộc quy định tỷ lệ đồng thuận cụ thể để thông qua trước khi trình cơ quan có thẩm quyền.

Bởi lẽ quy hoạch, sử dụng đất cấp huyện là cấp thấp nhất, quyết định việc thu hồi đất nên cần bảo đảm quyền phúc quyết của cộng đồng thuộc khu vực dự kiến thu hồi đất, đặc biệt là những đối tượng thuộc trường hợp bị thu hồi đất.

Nếu quy hoạch được thông qua, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp quy hoạch không được thông qua, cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo những ý kiến góp ý và tổ chức lại cuộc họp với cộng đồng dân cư để giải trình, làm rõ những nội dung đã điều chỉnh để cộng đồng xem xét quyết định.

Quy trình này có thể được thực hiện nhiều lần cho đến khi đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, để một bản quy hoạch địa phương được thông qua, cần lấy ý kiến cộng đồng rất nhiều lần, phải đảm bảo ít nhất 70% tự nguyện chấp thuận.

Một vấn đề dáng chú ý nữa là trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp được thực hiện như thế nào? Theo quy định trong dự thảo hiện nay, thì cơ quan lập quy hoạch chỉ đơn phương tổng hợp và thực hiện việc giải trình, hoàn thiện phương án quy hoạch và công bố lên trang thông tin điện tử của mình là chưa đúng bản chất của hoạt động giải trình. Do đó, cần bổ sung quy định theo hướng, việc tiếp thu, giải trình bắt buộc phải được tổ chức dưới hình thức cuộc họp với người dân nhằm làm rõ, những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một yếu tố rất quan trọng giúp cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phản ánh được hơi thở cuộc sống, thật sự trở thành nền tảng dẫn dắt, định hướng cho thị trường phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới cần phải quy định thực chất hơn nữa, phát huy ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia thảo luận, kiến nghị và quyết định những vấn đề quan trọng.

—————————————-

(*) Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ

Đinh Tấn Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   CapitaLand Development giới thiệu dự án Lumi Hanoi (08/11/2023)

>   Hà Nội tổ chức đấu giá một số khu đất trong đó có những vị trí vàng (08/11/2023)

>   Giá trị di sản của khu bất động sản hàng hiệu Grand Marina, Saigon (08/11/2023)

>   Nâng niu giá trị vượt trội của sông Sài Gòn (08/11/2023)

>   Đại gia ngoại rót tỷ USD đầu tư loạt dự án bất động sản 'khủng' (08/11/2023)

>   Sông Sài Gòn – động lực tăng trưởng xanh, bền vững của TPHCM (08/11/2023)

>   Gia Lai sắp đấu giá hơn 200 lô đất, khởi điểm từ 134 triệu đồng (08/11/2023)

>   Vấn đề nóng trước ‘giờ G’ của ba dự thảo luật liên quan đến bất động sản (07/11/2023)

>   Đề nghị kiểm tra vụ ‘mua nhà xã hội phải có bản sao công chứng sổ hồng nơi trọ’ (07/11/2023)

>   Đi tìm chuẩn sống dinh thự cho giới siêu giàu tại Việt Nam (07/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật