Hóa chất quý 3: Ông lớn giảm sâu
Quý 3 chứng kiến những cú rơi tự do về lợi nhuận của nhiều ông lớn ngành hóa chất và phân bón, chủ yếu rơi vào nhóm phân đạm (urê) do giá phân giảm mạnh. Chiều ngược lại, có những doanh nghiệp tăng trưởng tính bằng lần
Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 22 doanh nghiệp ngành hóa chất đã công bố BCTC quý 3/2023, có 11 doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng, với 2 cái tên chuyển lỗ thành lãi; 8 doanh nghiệp giảm lãi, thậm chí chứng kiến lợi nhuận rơi tự do, và 3 doanh nghiệp thua lỗ trong kỳ.
Kết quả kinh doanh của nhóm hóa chất trong quý 3/2023
|
Khi ông lớn “rơi tự do”…
2 ông lớn phân đạm là Đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, HOSE: DPM) và Đạm Cà Mau (CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, HOSE: DCM) chứng kiến lợi nhuận rơi mạnh trong quý 3 năm nay. Cụ thể, số lãi ròng 2 ông lớn đạt được lần lượt là 64 tỷ đồng và 74 tỷ đồng, tương ứng giảm 94% và 90% so với cùng kỳ.
Về nguyên nhân, Đạm Cà Mau cho biết, sản lượng tiêu thụ sản phẩm quý 3 thực chất tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón giảm kéo doanh thu thấp xuống, trong khi giá vốn tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng gia tăng do Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng hóa.
Giá phân giảm cũng là nguyên nhân Đạm Phú Mỹ đưa ra để giải đáp cho mức giảm lợi nhuận của mình.
Sau giai đoạn hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa, Đạm Cà Mau chứng kiến mức lợi nhuận giảm sâu trong năm nay |
|
Câu chuyện tương tự diễn ra với Đạm Phú Mỹ |
|
Một ông lớn khác là Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh tới 46%. Tuy nhiên, so với 2 ông lớn phân đạm, DGC có vị thế khác khi vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận quý 3 “khủng” nhất ngành, với 761 tỷ đồng. Hơn nữa, mức này chỉ thấp hơn cùng kỳ 2022 - thời điểm DGC được hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu. Nếu chỉ so với cùng kỳ các năm trước 2022, mức lãi tại quý 3/2023 sẽ là cao nhất.
DGC cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu giảm là vì giá bán giảm, do thị trường trong nước và thế giới đi xuống. Cụ thể, Phốt pho vàng và H3PO4 giảm 39% doanh thu; WPA giảm 38% doanh thu; phân bón các loại giảm 14% doanh thu.
Không dừng ở các ông lớn, nhiều cái tên khác cũng phải đối mặt với mức lãi rớt thảm hại, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem. Như Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) rơi tới 98% lợi nhuận - mức giảm sâu nhất ngành, ghi nhận 1.2 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3. Đồng thời, đây cũng là mức lãi quý tệ nhất trong 14 năm qua của HVT.
Tương tự là DAP-Vinachem (UPCoM: DDV) với lãi ròng giảm 88%, còn 6.8 tỷ đồng. Dù sản lượng tiêu thụ phân DAP gia tăng, việc giá bán liên tục giảm theo xu hướng chung trong khi giá vốn tăng mạnh đã kéo lợi nhuận của DDV đi xuống.
Hóa chất cơ bản Miền Nam (HOSE: CSV) đánh rơi 52% lợi nhuận, còn 48 tỷ đồng, do doanh thu tiêu thụ các sản phẩm chính như HCl, H3PO4… đều thấp hơn cùng kỳ.
Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) thậm chí lỗ nặng hơn 309 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 347 tỷ đồng). Nguyên nhân cũng vì giá urê đi xuống theo đà của thế giới, trong khi giá nhiên liệu (than) và nguyên liệu đầu vào giữ ở mức cao. Ngoài ra, chi phí lãi vay cùng tỷ giá kém thuận lợi cũng là gánh nặng khiến DHB ngập trong thua lỗ. Lũy kế 9 tháng, Doanh nghiệp lỗ ròng tới 788 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Hết kỳ hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa, Đạm Hà Bắc về lại "những ngày xưa lỗ" |
|
…và những cái tên tăng lãi bằng lần
Trái ngược với nhóm phân đạm, nhóm phân lân và NPK thuộc Vinachem đón nhận kết quả rực rỡ trong quý 3.
Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là cái tên đạt tăng trưởng mạnh nhất trong ngành với mức lãi 81 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ. Cũng rất lâu rồi, BFC mới chứng kiến một quý đạt lợi nhuận cao hơn 2 ông lớn Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ. Gần nhất là quý 3/2017, BFC đạt lợi nhuận cao hơn Đạm Cà Mau, còn với Đạm Phú Mỹ thì đây là lần đầu kể từ khi lên sàn vào năm 2014.
Đã rất lâu rồi, BFC mới có 1 quý vượt lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau |
|
Doanh nghiệp giải thích, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu phân bón của nông dân tăng cao, dẫn đến sản lượng bán ra tăng so với cùng kỳ và cải thiện được biên lợi nhuận gộp.
Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) báo lãi gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 29 tỷ đồng, nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ phân bón. Trong đó, Supe lân các loại tăng 17.3 ngàn tấn, NPK tăng gần 26 ngàn tấn.
Phân bón miền Nam (HOSE: SFG) cũng báo lãi ròng gấp 8 lần cùng kỳ, đạt 19 tỷ đồng. Tuy vậy, SFG thực chất ghi nhận giảm doanh thu và lợi nhuận gộp. Mức tăng trên chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh và khoản lợi nhuận khác do không còn ghi nhận nộp truy thu tiền thuê đất như quý 3/2022.
Ngành phân bón hưởng lợi cuối năm?
Theo đánh giá từ các CTCK, các doanh nghiệp mạnh về phân đạm có thể được hưởng lợi quý cuối năm sau lệnh hạn chế xuất khẩu urê từ Trung Quốc. Theo SSI Research, lệnh hạn chế xuất khẩu urê trong khi nhu cầu từ Ấn Độ gia tăng do mở rộng diện tích trồng lúa để cải thiện an ninh lương thực sẽ góp phần trợ giá cho urê. Bởi lẽ, Ấn Độ đang chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023.
Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông tăng 46% so với mức đáy vào tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%. Giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn (lần lượt là 27% và 18%). Giá urê trung bình ở Việt Nam đã tăng 25% so với mức đáy, cùng với sự phục hồi giá urê của các nước lân cận (như Trung Quốc và Indonesia). Thị trường phân bón của Việt Nam vốn phụ thuộc cao với thế giới. Thời gian qua, giá các mặt hàng urê, phân DAP trong nước cũng rục rịch đi lên.
Hồng Đức
FILI
|