Đây là dự án giao thông huyết mạch của khu vực phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội nối quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh.
Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015 - 2030, cầu Thượng Cát có mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng.
Với thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m, cầu Thượng Cát qua sông Hồng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối, khai thác hợp lý với hạ tầng giao thông đã được xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, giảm thiểu ùn tắc; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và khu vực nói chung.
Vị trí quy hoạch cầu Thượng Cát |
Nhằm đáp ứng cao nhất các điều kiện cho việc thiết kế và lập dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.
Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.
Sau thời gian chuẩn bị cho cuộc thi, có 4 đơn vị tổ chức đã qua vòng sơ tuyển, gồm có: Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm; Liên danh Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) và Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương (CUBIC) (gọi tắt là Liên danh TEDI-CUBIC; Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty TNHH Codai & Kiso- Jiban Việt Nam và Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng (CCU+CKJVN+CTC); Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI).
Các công ty tham gia thi tuyển đều là công ty lớn trong lĩnh vực tư vấn.
Theo quy chế, cuộc thi hướng tới cái mới, nhằm tìm kiếm một phương án thiết kế sáng tạo, hiện đại và khả thi. Sáng tạo kiến trúc và cấu trúc cần được đề cao, khuyến khích đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư kết cấu tìm ra những dấu ấn mới cho Hà Nội. Không nên dễ dãi chấp nhận những cấu trúc cũ lặp lại, được chế biến hình thức từ những công trình đã được xây dựng, không nên bắt chước một hình mẫu dù đã được thừa nhận trên thế giới vì dù thành công ở đó nhưng không phải được tạo ra cho bối cảnh ở Việt Nam, bối cảnh của dòng sông Hồng. Các phương án thiếu sự sáng tạo sẽ không phản ánh được tầm vóc của Thủ đô.
Thực tế chứng minh trải qua hàng trăm năm dòng sông Hồng có sự biến đổi dòng chủ liên tục đặc biệt là khu vực cầu Long Biên, điều này sẽ ảnh hưởng đến khoang thông thuyền trong quá trình khai thác cầu. Cầu Long Biên (kết cấu dàn thép nhiều nhịp) là minh chứng thực tế vẫn đáp ứng tốt nhu cầu khai thác đường thủy dưới cầu mặc dù dòng chủ có sự thay đổi lớn. Cầu Thượng Cát cần lựa chọn phương án tính đến khả năng biến đổi dòng chủ trong tương lai mà vẫn đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy dưới cầu một cách tốt nhất.
Vào ngày 15/11, cả 4 đơn vị sẽ tham gia trình bày và bảo vệ phương án kiến trúc với hội đồng chấm. Người dân Hà Nội mong muốn, hy vọng thông qua cuộc thi sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, xứng đáng với vai trò và vị thế của dòng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.