EPS 9 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp biến động thế nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ảm đạm sau những thăng trầm và biến động từ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng đột phá về chỉ số EPS 9 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, nhiều cái tên có EPS từng ở top đầu nay chứng kiến chỉ số “rơi tự do”.
EPS (Earnings per share) là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.
|
Theo thống kê từ VietstockFinance, phần lớn doanh nghiệp (trên HOSE, HNX, UPCoM) trong top EPS cao nhất của 9 tháng đầu năm 2023 đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đạt kỷ lục mới.
Ở top đầu, các doanh nghiệp có EPS trên 10,000 đồng phải kể đến như Bến xe Miền Tây (WCS), Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL), Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (TMB) hay Vinacafé Biên Hòa (VCF).
Nguồn: VietstockFinance
|
Với chỉ số EPS trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 17,827 đồng, tăng 132% so với cùng kỳ, WCS là cái tên nổi bật nhất danh sách. Quý 3, doanh thu thuần của WCS đạt gần 37 tỷ đồng, tăng 36% nhờ nguồn thu tiền xe dịch vụ ra, vào bến tăng lên, sau khi Công ty áp dụng biểu giá mới. Qua đó, lợi nhuận sau thuế gần 19 tỷ đồng, tăng 60%, tiếp nối đà hồi phục sau dịch COVID-19. Lũy kế 9 tháng, doanh thu WCS đạt hơn 105 tỷ đồng, tăng 62% và lãi sau thuế hơn 51 tỷ đồng, tăng 106%.
Theo sau là RAL khi có EPS đạt 16,552 đồng, tăng 37%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, RAL đạt doanh thu gần 4,942 tỷ đồng, tăng 20%; lãi ròng gần 390 tỷ đồng, tăng 41%. Riêng quý 3, doanh nghiệp lãi gần 97 tỷ đồng, tăng 64%.
RAL cho biết, trong quá trình sản xuất, Công ty chuyển đổi số thông qua xây dựng nền sản xuất thông minh, tự động hóa các khâu trong dây chuyền. Nhờ chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng, năng suất tăng lên gấp rưỡi. Trước đây, trong một tháng, số lượng đèn LED sản xuất ra chỉ được 5 triệu sản phẩm thì hiện nay tăng lên 7 triệu sản phẩm.
Doanh nghiệp tăng vọt EPS trong 9 tháng đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam - CTCP (UPCoM: VOC) khi đạt 9,842 đồng, gấp gần 15 lần cùng kỳ. Kết quả này nhờ vào 9 tháng đầu năm 2023, VOC lãi sau thuế gấp gần 15 lần cùng kỳ, lên gần 1,200 tỷ đồng. Lãi trước thuế gần 1,474 tỷ đồng, gấp hơn 16 lần cùng kỳ và vượt 13% kế hoạch năm.
Lãi đột biến của VOC đến từ việc Công ty chuyển nhượng 24% vốn Dầu thực vật Cái Lân cho Công ty Siteki Investments Pte.Ltd với giá gần 2,158 tỷ đồng (thực hiện trong quý 1), ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 1,647 tỷ đồng, gấp 14.4 lần cùng kỳ.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong 20 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất thị trường, có tới 13 doanh nghiệp ghi nhận EPS sụt giảm, 5 doanh nghiệp tăng trưởng, một cái tên có chỉ số EPS gần như không thay đổi và duy nhất một doanh nghiệp bất động sản chuyển từ lãi thành lỗ.
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) có EPS 9 tháng đầu năm đạt 1,630 đồng, gấp 9.6 lần cùng kỳ. PLX lãi gần 2.2 ngàn tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần cùng kỳ và hoàn thành 94% kế hoạch năm sau 9 tháng.
Với tình hình thị trường bất động sản còn trầm lắng, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) lỗ gần 842 tỷ đồng trong 9 tháng, cùng kỳ lãi hơn 2 ngàn tỷ đồng. Qua đó, chỉ số EPS âm 432 đồng, cùng kỳ là 1,042 đồng.
Nhiều doanh nghiệp tăng đột phá
Nguồn: VietstockFinance
|
Với nhóm này, ấn tượng nhất là Năng lượng và Bất động sản MCG (MCG) khi có EPS 9 tháng đầu năm gấp 44 lần so với cùng kỳ, đạt 88 đồng.
CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) cũng có EPS đạt 1,917 đồng, gấp 16 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu AST ấn tượng khi đạt hơn 810 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi ròng 86 tỷ đồng, gấp hơn 16 lần. Riêng quý 3, AST lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, tăng 129%. AST cho biết, hoạt động ngành hàng không của Việt Nam cũng như thế giới đã có các bước phục hồi vững chắc và trở lại bình thường sau dịch bệnh, nhu cầu đi lại của hành khách qua các cảng hàng không tăng trưởng mạnh mẽ, đưa lợi nhuận Công ty tăng.
Một doanh nghiệp bất động sản có EPS 9 tháng đầu năm đạt 919 đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ là Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS). Doanh nghiệp có kết quả quý 3 đạt lãi ròng hơn 35 tỷ đồng, gấp 13.6 lần cùng kỳ do công ty vẫn đang kinh doanh dự án Nam An Khánh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SJC lãi gần 105 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp có EPS “rơi tự do”
Nguồn: VietstockFinance
|
Dù từng đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp có EPS cao nhất toàn thị trường vào 9 tháng đầu năm 2022, Bibica (BBC) đã bất ngờ lao dốc trong 9 tháng đầu năm nay - từ con số cao nhất thị trường năm ngoái 43,340 đồng về 186 đồng/cp. Kỳ này BBC chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng lợi nhuận ròng cùng với việc vốn góp chủ sở hữu tăng, trong khi năm ngoái lãi 152 tỷ đồng.
Bất động sản Thế Kỷ (CRE) cũng chịu ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản khi gần như không có lãi trong quý 3. CRE cho biết, trong kỳ, các yếu tố không thuận lợi của thị trường bất động sản xuất hiện từ năm 2022 vẫn tồn tại và chưa có dấu hiệu được khắc phục. Dù thị trường bất động sản đã có sự cải thiện về lượng giao dịch so với đầu năm 2023 nhưng chưa thay đổi đáng kể, giao dịch chưa sôi động, khiến doanh thu giảm mạnh.
Lũy kế 9 tháng, lãi ròng CRE chỉ đạt 1.5 tỷ đồng, giảm 99%. Với kết quả kinh doanh ảm đạm, CRE không thể tránh khỏi việc chỉ số EPS giảm gần như 100%, còn 3 đồng.
Kết quả thua lỗ cũng đã đẩy EPS của nhiều doanh nghiệp về số âm. Điển hình như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) khi lỗ ròng quý 3/2023 hơn 7 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 119 tỷ đồng; sau 9 tháng, TDC lỗ gần 329 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 140 tỷ đồng. Qua đó, EPS âm 3,291 đồng, trong khi cùng kỳ đạt 180 đồng.
Thanh Tú
FILI
|