Thứ Năm, 02/11/2023 09:00

Đầu tư chứng khoán tháng 11: Chờ đợi là hạnh phúc!

Các chuyên gia nhận định thị trường vẫn còn trong xu hướng giảm. VN-Index có thể có những nhịp hồi kỹ thuật, nhưng vẫn chưa thể xác nhận xu hướng tăng. Nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng, giảm bớt áp lực margin; nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao nên quan sát thêm, chờ cơ hội giải ngân vào cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan và đang có định giá hấp dẫn.

 

Định giá thị trường vẫn còn rẻ

Bình luận về kết quả kinh doanh quý 3, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, con số gần như đi ngang hoặc có sự cải thiện hơn một chút so với mức tăng trưởng cùng kỳ; khá hơn so với quý 1 và quý 2. Với kết quả này, định giá thị trường vẫn hấp dẫn. Vị chuyên gia nhìn nhận, định giá như thế nào đã phản ánh vào thị trường, dù cho kết quả kinh doanh quý 3 có ra sao đi chăng nữa.

P/E hiện tại của VN-Index, tính từ giai đoạn tăng điểm tháng 5 đến nay, vẫn dưới trung bình P/E 5 năm, có nghĩa thị trường vẫn đang trong giai đoạn rẻ, tính hấp dẫn vẫn có. Câu chyện hiện tại, mọi người vẫn bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn” - ông Minh cho biết.

Trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD giảm, cùng với lãi suất giảm sẽ giúp doanh nghiệp hạ được chi phí vốn vào thời điểm cuối năm, định giá từ đó sẽ hấp dẫn hơn, tức sẽ thấp hơn nữa. Nhưng hiện tại, kỳ vọng về chi phí vốn giảm là không còn, nên nhà đầu tư đang nhìn nhận vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là yếu tố quyết định lớn hơn.

Ông Minh nhấn mạnh: kết quả kinh doanh hiện tại chưa thay đổi đáng kể, cho thấy giai đoạn khó khăn đã đi qua nhưng ở mức hồi phục chậm, chưa phải là cú hích để định giá giảm trở lại.

Về biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua, ông Võ Kim Phụng - Phó Phòng phân tích CTCP Chứng khoán BETA - cho biết, do tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản thị trường suy giảm, thậm chí có lúc về mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây.

Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam, giao dịch bị chi phối nhiều bởi cảm xúc, nên khi thị trường duy trì thanh khoản thấp, chỉ cần có những thông tin bất lợi, thậm chí tin đồn hoặc có một lượng cung lớn bất ngờ xuất hiện gây áp lực cũng có thể khiến thị trường biến động rất mạnh.

Bàn luận sâu hơn về kết quả kinh doanh quý 3, vị chuyên gia của BETA nhận thấy có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, cũng như giữa các doanh nghiệp trong ngành. Ví dụ, ở nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp, phần lớn các công ty đều có sự tăng trưởng tích cực về lợi nhuận; nhưng ở mảng sản xuất và phân phối điện, các công ty có kết quả kinh doanh suy giảm chiếm phần đa.

Tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề mà lợi nhuận nhiều khả năng đã tạo đáy trong quý 1, quý 2 hoặc chậm thì quý 3 và mở ra triển vọng tích cực hơn trong quý 4 cũng như trong năm 2024” - ông Kim Phụng giải đáp về vấn đề lợi nhuận doanh nghiệp đã chạm đáy hay chưa.

Nhìn về dài hạn, ông Phụng lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô, nhờ sự hỗ trợ bởi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng. Triển vọng tăng trưởng nhiều ngành nghề và doanh nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong năm 2024. Từ đó, sớm thu hút dòng tiền trở lại TTCK và xu hướng tăng dài hạn sẽ sớm trở lại trạng thái tích cực trong thời gian tới.

VN-Index kỳ vọng dao động tích lũy tạo nền trong vùng 1,020 - 1,100 điểm trong tháng 11

Theo quan điểm phân tích kỹ thuật, ông Phụng thông tin, chỉ số VN-Index vẫn đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn, đồng thời sau khi xuyên thủng đường MA200 thì xu hướng dài hạn cũng đã không còn ở trạng thái tích cực. Chỉ số VN-Index hiện đang nằm ở vùng tích lũy 1,020 - 1,100 điểm thiết lập hồi nửa đầu năm trước khi bứt phá lên vùng đỉnh trong năm 2023.

Đồ thị phân tích kỹ thuật, tính đến ngày 27/10 (Ông Võ Kim Phụng cung cấp)

Bước sang tháng 11, chỉ số VN-Index kỳ vọng sẽ dao động tích lũy tạo nền trong vùng 1,020 - 1,100 điểm trước khi có những tín hiệu tác động đến việc hình thành xu hướng ngắn hạn tiếp theo. Tuy nhiên, kịch bản VN-Index giảm xuống dưới vùng hỗ trợ 1,000 - 1,020 điểm vẫn cần được tính tới, dù xác suất xảy ra được đánh giá là khá thấp trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Nhà đầu tư nên chọn chiến lược thận trọng

Ông Nguyễn Thế Minh nhận xét thị trường đã có một cú nhúng rất sâu, quanh vùng 1,050 - 1,060 điểm; và trong lịch sử từ đầu năm 2022 đến nay, đây là vùng hỗ trợ và tập trung rất nhiều lực cầu. Do đó, khả năng cao sẽ có những nhịp hồi. Tuy nhiên nhịp hồi này liệu có thể xác nhận được xu hướng tăng hay không thì cần thêm thời gian.

Vị chuyên gia của Yuanta cho biết, chỉ số VN-Index phải thực sự vượt qua được vùng 1,115 - 1,120, cùng với thanh khoản cải thiện thì xu hướng tăng với được xác nhận. VN-Index hiện vẫn còn trong xu hướng giảm.

Hiện tại, có thể chỉ có những nhịp hồi kỹ thuật, chưa xác nhận được xu hướng tăng ở thời điểm này” - ông nói.

Song, ông Minh cũng chỉ ra 2 điểm tích cực, hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường là lực cầu tại vùng 1,050 - 1,060 và Fed có thể không tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Đồng thời, ông nhấn mạnh sự hồi phục của chỉ số không đồng nghĩa xác nhận xu hướng tăng.

Trong ngắn hạn, không cần phải bán ra giai đoạn này. Nhà đầu tư dùng margin nên hạ bớt áp lực về margin. Đây là đều quan trọng trong xu hướng downtrend. Nhưng có thể giữ lại cổ phiếu mua từ vốn tự có. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao nên chờ xác nhận xu hướng tăng mới tham gia, khi VN-Index vượt 1,115 - 1,120 hãy vào lại, còn thời điểm hiện nay nên quan sát thêm” - ông Minh gợi ý. 

TTCK Việt Nam đã có một phiên giảm điểm mạnh vào ngày 26/10 - Ảnh: TM

Vị chuyên gia từ Chứng khoán BETA cũng đưa ra chiến lược thận trọng cho nhà đầu tư, vì thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm, kèm theo thanh khoản thấp; đề phòng kịch bản thị trường giảm dưới vùng hỗ trợ 1,000 - 1,020 điểm.

Ngoài ra, nhà đầu tư ưa thích lướt sóng theo xu hướng nên thận trọng, tuân thủ kỷ luật với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải, trong mức chấp nhận rủi ro cho phép; chỉ xem xét gia tăng danh mục cổ phiếu khi thị trường xác lập xu hướng tăng ngắn hạn trở hạn.

Đối với nhà đầu tư trung - dài hạn cùng có tỷ trọng tiền mặt cao, đợt giảm mạnh giai đoạn vừa qua đã đưa thị trường cùng nhiều nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh khả quan trong thời gian tới về vùng định giá hấp dẫn. Đây là cơ cơ hội để nhà đầu tư có thể xem xét mua tích lũy cho mục tiêu dài hạn.

Còn nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao nên xem xét cơ cấu danh mục, theo hướng hạ tỷ trọng cổ phiếu có nền tảng cơ bản yếu và tìm cơ hội giải ngân sang những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan và đang có định giá hấp dẫn.

Duy Khánh

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 01/11: Đà giảm còn tiếp diễn? (31/10/2023)

>   Góc nhìn 31/10: Có thể lùi tiếp xuống ngưỡng quanh 1,035 điểm? (30/10/2023)

>   Thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trung và dài hạn là tương lai xán lạn (30/10/2023)

>   Góc nhìn tuần 30/10 - 03/11: Chưa thoát khỏi xu hướng giảm? (29/10/2023)

>   Triển vọng tích cực cho tăng trưởng POW, DCM và DGW? (30/10/2023)

>   Sếp FIDT: Định giá cổ phiếu đã trở về mặt đất nhưng phải chọn lọc thật kỹ (28/10/2023)

>   Thao túng giá đóng cửa và số phận của phiên ATC? (27/10/2023)

>   Góc nhìn 27/10: Mở rộng nhịp điều chỉnh? (26/10/2023)

>   HSC: Vinamilk ở thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” (03/09/2023)

>   Góc nhìn 26/10: Lực cầu vẫn chưa đủ? (25/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật