Cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất ASEAN mặc dù vẫn còn quan ngại về tình hình lạm phát gia tăng.
Nghiên cứu hàng đầu của ngân hàng UOB về tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023 vừa công bố ngày 1-11 tại TP HCM đã chỉ ra rằng: Người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. 75% người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau.
75% người tham gia khảo sát cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế ở Việt Nam trong 6 -12 tháng tới. Tâm lý lo ngại này gia tăng so với năm ngoái ở khắp các phân khúc độ tuổi cũng như thu nhập của những người tham gia khảo sát.
Ngoài ra, sở thích áp dụng các kênh thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Người tiêu dùng đang ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới như ví điện tử/thanh toán dựa trên mã QR, nền tảng thanh toán thương mại điện tử và thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng trên ví di động.
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực.
76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).
Đại diện Ngân hàng UOB công bố kết quả nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN năm 2023
|
66% người được khảo sát ở Việt Nam lo lắng về lạm phát gia tăng 62% lo ngại chi phí sinh hoạt tăng cao (tỉ lệ này ASEAN là 62% và 57%).
Theo kết quả khảo sát, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính. Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ.
65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.
Sở thích về tài chính cũng đang thay đổi khi người tiêu dùng phân bổ nhiều tiền hơn vào các công cụ tài chính có rủi ro thấp như tiền gửi cố định ngân hàng (32%) và các kế hoạch bảo hiểm (28%). 25% số người đang phân bổ nhiều tiền hơn vào các sản phẩm bảo hiểm so với năm ngoái, cao hơn 4 điểm phần trăm so với người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng phân khúc giàu có (36%).
Quan tâm nhiều hơn đến đầu tư bền vững
Ba trong năm người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững. 40% cho biết họ đã đưa các khoản đầu tư bền vững vào danh mục đầu tư của mình và 58% sẽ xem xét thực hiện đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ. 9 trong số 10 người tiêu dùng nói rằng đầu tư bền vững giúp đạt được mục tiêu kép là đạt được lợi nhuận tài chính đồng thời có lợi cho môi trường.
|
T. Nhân
Người lao động
|