CTS muốn vay tối đa 2 ngàn tỷ từ một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp
HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HOSE: CTS) thông qua Nghị quyết về việc vay ngắn hạn CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) tối đa 2,000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết ngày 24/11, HĐQT CTS giao Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phòng Kinh doanh vốn thực hiện đàm phán, quyết định các phương án kinh doanh của Công ty; các phương án vay vốn từng lần; các phương án trả nợ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ khoản vay…
Về bên cho vay, SIP là một trong nhà phát triển khu công nghiệp (KCN) hàng đầu tại Việt Nam với một số KCN như KCN Đông Nam (Củ Chi, TPHCM), Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời (Tây Ninh), KCN Lộc An – Bình Sơn (Đồng Nai) và KCN Lê Minh Xuân 3 (Bình Chánh, TPHCM) với tổng diện tích hơn 5,000 ha.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 4,762 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 617 tỷ đồng, giảm 9%. Với kết quả này, SIP thực hiện được 88% kế hoạch lãi sau thuế năm.
SIP cho CTS vay trong bối cảnh “của để dành” của Công ty ở mức khá lớn với doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm 30/09/2023 là 11,294 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn hơn 61 tỷ đồng và doanh thu chưa thực hiện dài hạn hơn 11,232 tỷ đồng.
Còn về CTS, sau 9 tháng, Công ty lãi sau thuế xấp xỉ 155 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận này có được chủ yếu nhờ lãi bán các tài sản tài chính FVTPL đạt 208 tỷ đồng, gấp 2.4 lần.
Trên bảng cân đối kế toán, giá trị vay ngắn hạn của CTS tại thời điểm 30/09/2023 là gần 5.6 ngàn tỷ đồng, tăng 82% so với đầu năm.
Hà Lễ
FILI
|