Thứ Hai, 06/11/2023 17:00

Chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 6%, mạnh nhất kể từ năm 2020

Chứng khoán Hàn Quốc bứt phá sau khi xứ sở kim chi ban hành lệnh cấm bán khống cho tới cuối tháng 6/2024.

Theo một vài chuyên gia, lệnh cấm này có thể nhằm xoa dịu các nhà đầu tư nhỏ lẻ vì trước đó họ đã phàn nàn về hoạt động bán khống. Tuy vậy, điều này có thể ngăn dòng vốn ngoại vào thị trường cổ phiếu trị giá 1.7 ngàn tỷ USD và cản trở quá trình nâng hạng của thị trường cổ phiếu Hàn Quốc lên thị trường phát triển.

Khép phiên ngày 06/11, chỉ số Kospi tăng 5.7% và ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh, cho thấy các quỹ đầu tư đang mua để đóng vị thế bán khống. Các cổ phiếu gần đây bị bán khống mạnh như LG Energy Solution và Posco Future nằm trong nhóm tăng mạnh nhất thị trường. Chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 7.3%.

Chỉ số Kospi hiện tăng gần 12% so với đầu năm, trong khi chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 2.6%. Trong ngày 06/11, thanh khoản của chỉ số Kospi tăng 70% so với mức trung bình 10 phiên vừa qua, theo NH Investment.

Trong ngày 05/11, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết sẽ cấm bán khống với các cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi 200 và Kosdaq 150 cho đến cuối tháng 6/2024. Trong thời dịch bệnh, giới chức Hàn Quốc cũng ra biện pháp giới hạn bán khống, nhưng sau đó đã được gỡ bỏ lệnh này với các cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi 200 và Kosdaq 150 từ tháng 5/2021. Tuy vậy, lệnh giới hạn vẫn còn giữ nguyên với khoảng 2,000 cổ phiếu.

“Sự đảo ngược chính sách với hoạt động bán khống là vô căn cứ tại thời điểm này”, Wongmo Kang, Chuyên viên phân tích tại Exome Asset Management, chia sẻ. “Nhiều người xem đây là động thái chính trị nhắm tới cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2024”. Ông cũng nói thêm thị trường Hàn Quốc thường bị ảnh hưởng mạnh bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Hàn Quốc dự kiến tổ chức tổng tuyển cử cho Quốc hội vào tháng 4/2024. Tại xứ sở kim chi, công chúng nhìn nhận khá tiêu cực về hoạt động bán khống và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã biểu tình chống đối với hoạt động này. Một số nhà làm luật thuộc Đảng cầm quyền thúc giục Chính phủ tạm thời cấm bán khống để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Phần lớn hoạt động bán khống ở xứ sở kim chi đều do nhà đầu tư tổ chức thực hiện.

Huh Jae-Hwan, Chuyên viên phân tích tại CTCK Eugene Investment & Securities, đánh giá lệnh cấm bán khống thật “bất thường” vì giới chức Hàn Quốc đưa ra động thái này ngay khi không hề có khủng hoảng tài chính. Hàn Quốc từng cấm bán khống trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ khu vực châu Âu và đợt hạ bậc tín nhiệm của Mỹ vào năm 2011, gần đây nhất là vào đầu giai đoạn đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Phần lớn hoạt động bán khống ở Hàn Quốc đều do nhà đầu tư tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường, khoảng 0.6% vốn hóa thị trường của Kospi và 1.6% vốn hóa của Kosdaq, theo dữ liệu từ sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.

Lee Bokhyun, Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc, bác bỏ quan điểm cho rằng lệnh cấm xuất phát từ động cơ chính trị, đồng thời nói thêm rằng tạm dừng bán khống là điều cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cải thiện cơ chế bán khống. Tờ Yonhap Infomax dẫn lại nhận định của ông Lee cho biết việc ban hành lệnh cấm bán khống là “không thể tránh khỏi và nhằm hướng tới một hệ thống bán khống tiên tiến hơn”.

Chỉ số Kospi tăng mạnh vào đầu năm nay nhờ cơn sốt cổ phiếu xe điện và cổ phiếu ngành chip có liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI). Nỗi lo về căng thẳng địa chính trị và lãi suất cao đã đảo ngược đà tăng đó trong vài tháng gần đây, đẩy chỉ số rơi vào phạm vi điều chỉnh (tức giảm 10% từ đỉnh) và gần như xóa sạch đà tăng từ đầu năm.

FSC cho biết thị trường đã bị gián đoạn vì các đợt bán khống “khổng lồ” của các ngân hàng đầu tư toàn cầu. Theo đó, các tổ chức này đã thực hiện bán khống dạng “naked”, tức là không vay mượn cổ phiếu nhưng vẫn bán khống. FSC cho biết đang cố gắng cải thiện để tạo ra sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, với mức phạt nặng hơn với các trader vi phạm luật.

Dù các cơ quan điều hành lập luận hoạt động bán khống dạng “naked” sẽ ngăn chặn việc hình thành mức giá hợp lý và hủy hoại niềm tin, nhưng một số nhà quan sát cho rằng việc cấm đoán hoàn toàn sẽ khiến thị trường kém minh bạch và do đó cũng giảm độ hấp dẫn. Một số chuyên gia cho rằng các lệnh cấm bán khống có thể khiến MSCI khó nâng hạng Hàn Quốc từ thị trường mới nổi lên thị trường phát triển.

“Động thái này sẽ ảnh hưởng tới vị thế thị trường của Hàn Quốc và chắc chắn sẽ cản trở họ trên con đường tiến tới vị trí thị trường phát triển”, Gary Dugan, Giám đốc đầu tư tại Dalma Capital Management, chia sẻ.

“Với việc bán khống bị cấm ngay lập tức, giá cổ phiếu của các công ty bị bán khống mạnh sẽ tăng mạnh trong thời gian đầu”, nhưng tác động có thể khá hạn chế vì vị thế bán khống của thị trường chung vẫn còn ở mức thấp, ông nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Chuyên gia: Tin xấu về kinh tế là tin tốt cho Phố Wall (06/11/2023)

>   Chứng khoán châu Á tăng mạnh, Nikkei 225 tăng hơn 2%, Kospi tăng gần 4% (06/11/2023)

>   Hàn Quốc cấm bán khống cổ phiếu, chứng khoán tăng vọt gần 3% (06/11/2023)

>   Công ty của Warren Buffett sở hữu núi tiền mặt 157 tỷ đô, lãi hoạt động tăng 40% (05/11/2023)

>   Dow Jones bật tăng hơn 200 điểm và khép tuần tốt nhất 2023 (04/11/2023)

>   Dow Jones vọt hơn 550 điểm khi lợi suất rút lui (03/11/2023)

>   Dow Jones tăng hơn 200 điểm sau quyết định của Fed (02/11/2023)

>   Huyền thoại đầu tư Stanley Druckenmiller lo ngại về kinh tế Mỹ (01/11/2023)

>   S&P 500 có chuỗi 3 tháng giảm điểm liên tiếp đầu tiên từ năm 2020 (01/11/2023)

>   Gã khổng lồ xe điện BYD tiếp đà thăng hoa, doanh số tăng 53% và sắp vượt mặt Nissan (31/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật