Thứ Năm, 16/11/2023 10:23

Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, một số nội dung có hai phương án. Những vấn đề này Ủy ban Kinh tế chưa trình bày quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp sau.

Sáng 16/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, nhiều vấn đề cụ thể đã được quy định chi tiết, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Chất lượng dự án Luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn 22 nội dung còn có phương án khác nhau, cần xin ý kiến…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Về các nội dung còn các phương án khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.

Liên quan đến quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở…, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần viết lại cho phù hợp. 

Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 87, Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu cơ bản đồng tình với các quy định tại nội dung này, phù hợp với Nghị quyết 18 về tái định cư, tuy nhiên cần đặt vấn đề đảm bảo tái định cư cho người dân.

Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan đều đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật, theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Về thời điểm thông qua dự luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ "Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này".

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giúp UBTVQH tiếp thu, giải trình và báo cáo các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời bày tỏ đồng tình các phương án như Chủ tịch Quốc hội đã phân tích và Ủy ban Kinh tế phân tích.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự án luật này nhận được sự quan tâm của rất nhiều ĐBQH. Tại Kỳ họp thứ 6 thảo luận tại hội trường, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận và 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu. Điều này chứng tỏ dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Và theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế là chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6. Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, việc chưa thông qua tại Kỳ họp này nhằm tiến hành thận trọng, thực hiện theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị.

Kết luận 19 của Bộ Chính trị nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Trên cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua Luật này từ Kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH hoàn chỉnh một cách chắc chắn, thận trọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6, ý kiến đại biểu về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận tại hội trường cho thấy có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 6.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng.

11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo luật, vì vậy đề nghị chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp này.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc thông qua dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật.

Ông Thanh nêu rõ với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Cũng theo ông Thanh, các dự thảo nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của luật sau khi được ban hành.

Nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của luật đi vào cuộc sống.

Ông nhấn mạnh nội dung này đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, ưu tiên chất lượng của dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến vào ngày 29/11).

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Khởi tố Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (16/11/2023)

>   90 lô đất đấu giá ở Bắc Giang bị bỏ cọc (14/11/2023)

>   Cần xử lý nghiêm việc đấu giá rồi bỏ cọc (14/11/2023)

>   Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại (08/11/2023)

>   TPHCM xin ý kiến xác định nghĩa vụ tài chính để cấp sổ cho officetel, shophouse (06/11/2023)

>   'Quy định bắt buộc tách thửa mới được thực hiện quyền của người sử dụng đất là hạn chế quyền tài sản' (03/11/2023)

>   Định danh dữ liệu đất đai để minh bạch thị trường bất động sản (02/11/2023)

>   Sau 3 năm chỉnh sửa, TP.HCM sắp có quy định tách thửa mới (02/11/2023)

>   HoREA kiến nghị tích hợp 2 phương án đặt cọc khi mua bất động sản (01/11/2023)

>   Những thay đổi liên quan đến sổ đỏ người dân cần biết (01/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật