Chủ tịch Chứng khoán ASAM chuyển nhượng hết cổ phần cho công ty có liên quan
Asam Asset Management Co., Ltd. (Hàn Quốc) báo cáo đã mua toàn bộ cổ phần CTCP Chứng khoán ASAM của nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Kim Hwan Kyoon.
Theo đó, Asam Asset Management đã nhận chuyển nhượng tổng cộng 22.03% vốn điều lệ của ASAM từ các cổ đông gồm Chủ tịch Kim Hwan Kyoon, vợ ông là bà Lee Tae Ae và con trai là ông Kim Tae Hyuk.
Sau giao dịch, Asam Asset Management sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại ASAM từ mức 19.93% lên 41.96%, trong khi đó Chủ tịch Kim Hwan Kyoon chính thức thoái sạch 19.7% vốn và không còn là cổ đông của ASAM.
Về mối liên hệ, Chủ tịch Kim Hwan Kyoon đang là quản lý tại Asam Asset Management và nắm giữ 80.47% vốn tại đây. Doanh nghiệp này được thành lập năm 1996 tại Hàn Quốc, xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ tháng 4/2018 với mục đích thực hiện các nghiệp vụ nghiên cứu, phân tích, tư vấn đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Chứng khoán ASAM tiền thân là Chứng khoán SJC thành lập từ năm 2008, có vốn điều lệ ban đầu là 53 tỷ đồng và hoạt động 3 lĩnh vực là môi giới; tư vấn đầu tư chứng khoán; giao dịch và ký quỹ. Tính đến cuối năm 2019, Công ty có 9 cổ đông lớn chiếm 75.5% vốn và không có nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối tháng 9/2020, Asam Asset Management thông báo nhận chuyển nhượng hơn 65% vốn Chứng khoán SJC để nắm quyền chi phối tại đây. Đáng nói, trước đó vài ngày, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã đánh dấu sự hiện diện tại Chứng khoán SJC thông qua việc đưa ông Kim Hwan Kyoon vào ghế Chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Văn Liêm. Các vị trí quan trọng như tổng giám đốc, thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát... cũng đều thay đổi.
Năm 2021, Công ty tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng thông qua việc phát hành 15 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp cho 8 nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, Chủ tịch Kim Hwan Kyoon mua 4 triệu cp (tỷ lệ 19.7%); cổ đông lớn Asam Asset Management mua 600,000 cp, nâng tỷ lệ lên 19.93%. Cũng trong năm này, Công ty đổi tên thành CTCP Chứng khoán ASAM.
Muốn chào bán 8.7 triệu cp riêng lẻ giá 12,000 đồng/cp
Cuối tháng 4/2023, ĐHĐCĐ thường niên của ASAM đã thông qua phương án chào bán 8.7 triệu cp riêng lẻ với giá 12,000 đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt bán.
Tổng số tiền dự kiến thu được đợt chào bán là hơn 104 tỷ đồng sẽ được Công ty dùng 80% (gần 84 tỷ đồng) để bổ sung vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; còn lại 20% dùng để bổ sung nguồn vốn cho việc đầu tư nâng cấp nền tảng giao dịch và các hoạt động kinh doanh hợp khác của Công ty.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi nhận được chấp thuận của UBCKNN. Nếu thành công, vốn điều lệ của Công ty dự kiến tăng từ mức 203 tỷ đồng lên 290 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ ASAM cũng thông qua danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ gồm 3 tổ chức và 8 cá nhân, trong đó Chủ tịch Kim Hwan Kyoon đăng ký mua hơn 1.5 triệu cp.
Có lãi trở lại trong quý 3 nhưng còn lỗ lũy kế gần 49 tỷ đồng
Đối với các chỉ tiêu kinh doanh, năm 2023, ĐHĐCĐ ASAM đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 33 tỷ đồng, tăng 72% và lãi trước thuế gần 2 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều so với mức lỗ hơn 13 tỷ đồng của năm 2022.
Trong quý 3/2023, ASAM ghi nhận tổng doanh thu hoạt động gần 10 tỷ đồng, gấp gần 2.5 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ các hoạt động môi giới và tự doanh. Cùng chiều với doanh thu, chi phí quản lý tăng mạnh lên hơn 6 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, chủ yếu do việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Kết quả, Công ty lãi sau thuế gần 356 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động ở mức gần 26 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và đạt 79% kế hoạch năm. Lãi trước thuế hơn 775 triệu đồng, cải thiện hơn mức lỗ gần 8 tỷ đồng cùng kỳ và thực hiện được 39% mục tiêu lợi nhuận năm.
Dù có lãi nhưng bảng cân đối kế toán của ASAM vẫn chưa mấy sáng sủa. Tính đến ngày 30/09/2023, Doanh nghiệp còn lỗ lũy kế gần 49 tỷ đồng.
Thế Mạnh
FILI
|