Dịch vụ
Chọn lọc thông tin giúp NĐT nhận về nhiều hơn “3 chữ cái”
Căng thẳng chính trị thế giới, áp lực tỷ giá, mùa báo cáo kinh doanh kém xa kỳ vọng… và “cú knock-out” tin đồn đã khiến TTCK Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn ảm đạm. Là người tư vấn chiến lược giao dịch cho nhà đầu tư (NĐT) hàng ngày qua các chương trình trực tiếp (livestream) – chuyên gia chiến lược đầu tư Hồ Hữu Tuấn Hiếu – gương mặt quen thuộc từ các chương trình tư vấn của CTCP Chứng khoán SSI đã có những chia sẻ trong giai đoạn biến động này.
PV: Dưới góc độ phân tích, diễn biến thị trường giai đoạn vừa qua theo anh là đúng như dự báo hay bất thường?
Có ba vấn đề cần lưu ý, một là KQKD quý III, thứ hai là các biến số bên ngoài và thứ ba là vấn đề thanh khoản. Ba biến số này đều ảnh hưởng đến thị trường theo những cách khác nhau.
Nếu nhìn vào KQKD ba quý liên tiếp, có thể thấy sự hồi phục theo quý là chưa rõ ràng, thậm chí quý III còn suy giảm so với quý II trước đó. Sự thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ một phần đến từ nền so sánh thấp dần trong nửa cuối 2022. Đối chiếu sang diễn biến thị trường, VNINDEX tăng điểm tích cực và có nhiều kỳ vọng vào hồi phục KQKD. Nhưng đến Quý III thì KQKD được công bố phần nào cho thấy bức tranh kinh doanh chưa được như mơ mộng của giới đầu tư. Ở góc độ phân tích, KQKD này không quá xa so với những gì SSI Research đánh giá từ trước. Quan điểm của tôi là sóng tăng trong quý II là sóng tăng của sự kỳ vọng quá lớn. Bây giờ mọi thứ đã trở lại “mặt đất”, về gần hơn với thực tế, có nghĩa là phù hợp và không còn đáng ngại nếu so với kỳ vọng.
Với các yếu tố bên ngoài, nếu để ý một chút vào các thị trường chứng khoán như Mỹ và tại châu Á trong 2 - 3 tháng gần đây tương quan khá sát với nhau. Điều này không hẳn lúc nào cũng xảy ra bởi trong các giai đoạn khác thì mỗi thị trường cũng vận động theo câu chuyện riêng. Có thể lý giải bởi hiện có những biến số có sức ảnh hưởng chung lên thị trường tài chính toàn cầu, như chỉ số sức mạnh đồng đô DXY, lợi suất trái phiếu 10 năm, những phát ngôn của FED… Cũng phải nhấn mạnh rằng đây là những biến số để theo dõi, đánh giá về môi trường đầu tư, khó lường cho dự báo.
Một yếu tố có chút bất ngờ đó là sự sụt giảm của thanh khoản. GTGD bình quân trong tháng 10 trên sàn HOSE là hơn 14 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, trong khi con số của tháng 9 trước là hơn 23 nghìn tỷ đồng, tức giảm gần 40% - chủ yếu đến từ sự kém sôi động NĐT cá nhân. Sự suy giảm điểm số thông thường cũng gắn liền với giai đoạn giao dịch trầm lắng và ảnh hưởng lên thanh khoản. Tuy nhiên trong thời gian ngắn mà thanh khoản mất hút nhanh chóng là hiện tượng không thường xuyên xảy ra, cần theo dõi thêm.
Bối cảnh thị trường đi xuống, tâm lý NĐT đang khá yếu, bất kể thông tin nào cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường. Anh đánh giá hiện tượng này thế nào?
Tin đồn là thứ không thể thiếu trên thị trường và chúng ta luôn phải đối mặt với nó. Bản thân tôi khi làm phân tích, ngày nào cũng phải đối mặt với thông tin bên ngoài, thông tin nội gián, tin đồn… nên tôi rất chia sẻ với NĐT.
Với những chương trình hàng ngày như Cafe chứng, áp lực không nằm ở việc nói về cổ phiếu tăng hay giảm. Café Chứng không phải là một bản tin nặng tính tường thuật, mà hướng tới chọn điểm nhấn quan trọng, chỉ đúng những thông tin súc tích đang ảnh hưởng đến diễn biến thị trường để chia sẻ với NĐT. Ngoài ra, bên cạnh diễn biến thị trường còn có thông tin chuyển động doanh nghiệp, ngành, vĩ mô. Là công ty chứng khoán chuyên nghiệp hàng đầu thị trường, nguồn thông tin này tại SSI rất đầy đủ. SSI Research cũng là một trong số ít trung tâm phân tích trên thị trường xây dựng riêng đội ngũ thu thập dữ liệu. Từ rất nhiều các thông tin, số liệu, sẽ được chọn lọc để gửi đến NĐT trong các chương trình.
Bản thân tôi cũng từng là NĐT và từng giao dịch mua bán dựa trên tin đồn mình cho là có lý. Song đến cuối cùng, hiệu quả đầu tư không cao. Chưa kể thông tin của NĐT cá nhân thường không có đủ độ nhanh nhạy và chất lượng đủ tốt. Có thể tham khảo tin đồn nhưng không thể là đầu vào quan trọng cho những quyết định mua bán. Bởi vậy, khi thực hiện chương trình tư vấn, chúng tôi luôn cố gắng gửi những thông tin mới, chính xác nhất đến NĐT.
Việc NĐT luôn kỳ vọng và tìm những lý do cho thị trường giảm điểm có khiến anh áp lực khi phải đưa ra phân tích, nhận định?
Đấy là tâm lý tự nhiên của NĐT trong mọi biến động của thị trường dù tăng hay giảm. Biến động của thị trường trong ngắn hạn trong một vài phiên như giới tài chính thường gọi là “random walk”, tuy nhiên thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ rất nhiều biến số dài hạn, từ vĩ mô thế giới, nội tại nền kinh tế… Bản thân tôi là một nhà phân tích khi làm chương trình cũng phải cân nhắc liệu biến số nào đang thực sự ảnh hưởng đến thị trường.
Điểm khác biệt là giới phân tích làm việc dựa nhiều trên số liệu, còn NĐT cá nhân hay có góc nhìn định tính. Mình cũng không nên hướng NĐT đến chuyện ngày nào cũng phải có thông tin giải thích cho sự biến động của thị trường.
Để đi đường dài với NĐT, nên định hình các chương trình tư vấn thế nào, thưa anh?
Ngay khi tái khởi động Café Chứng, SSI có khảo sát NĐT để xây dựng chương trình sát nhất với nhu cầu. Ban đầu, tôi nghĩ rằng NĐT cá nhân chắc hẳn sẽ quan tâm nhiều đến “ba chữ cái”, nhưng thực tế kết quả không chỉ dừng lại như vậy.
Khi đã quen với quá nhiều chương trình livestream, phần đông NĐT muốn tìm hiểu những thứ sâu hơn, tại sao lựa chọn “ba chữ cái”, chuyển động ngành nào đang ảnh hưởng đến xu hướng của cổ phiếu và doanh nghiệp… NĐT muốn tìm kiếm những thông tin giúp chủ động trong việc đưa ra quyết định đầu tư, những điều đúng đắn, riêng biệt so với bức tranh chung trên thị trường. Đây vừa là áp lực vừa là thuận lợi. Áp lực ở chỗ bản thân người làm chương trình phải đưa ra những giá trị đủ đúng, đủ sâu với những gì NĐT mong muốn, để họ thật sự sử dụng được khi đầu tư. Về thuận lợi thì đây là hướng lâu dài và bền vững mà SSI khi xây dựng các chương trình tư vấn đầu tư đều hướng tới. Việc chỉ đưa ra “ba chữ cái” chắc chắn sẽ có lúc đúng lúc sai, và chương trình sẽ khó trở thành một nơi đáng tin với NĐT.
Đồng hành cùng NĐT mỗi ngày, anh có lời khuyên gì trong bối cảnh thị trường hiện nay?
Việc thị trường biến động chắc chắn là điều luôn xảy ra, NĐT nên cân bằng hơn về tâm lý, để khi thị trường giảm điểm chúng ta có thể nhìn ra cơ hội, thị trường tăng điểm xác định được điểm rủi ro.
NĐT cá nhân thường thích ngắn hạn nhưng càng ngắn hạn càng khó. Với thông tin bị hạn chế và chưa trang bị đủ các kỹ năng cần thiết, việc theo đuổi các bài toán ngắn hạn sẽ càng làm NĐT cá nhân cảm thấy hiệu quả đầu tư kém hơn. Góc nhìn trung và dài hạn thường “đỡ căng thẳng” hơn, bởi các biến số chủ yếu xoay quanh sự tăng trưởng của doanh nghiệp, nền tảng nền kinh tế và thị trường và bỏ qua luồng nhiễu thông tin ngắn hạn.
Bên cạnh đó, NĐT cũng nên tìm đến những kênh/chương trình tư vấn đầu tư hiệu quả, thông tin chính xác đã được “xử lý” qua một “bộ lọc” chính là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, thay vì mất nhiều thời gian tự tìm hiểu, tham gia hội nhóm, mạng xã hội. Điều đó khiến cho NĐT không chỉ hoang mang mà còn mất nhiều thời gian, không cân bằng được đầu tư và cảm xúc, dễ dẫn đến sai lầm trong đầu tư.
Không chỉ nỗ lực nâng cao trải nghiệm khách hàng, Chứng khoán SSI hướng đến bồi đắp kiến thức và xây dựng cộng đồng NĐT chứng khoán Việt Nam bản lĩnh, vững bước trong từng nhịp diễn biến thị trường.
Các chương trình tư vấn đầu tư do SSI thực hiện/phối hợp sản xuất như Bí mật đồng tiền (11h20 thứ 4 hàng tuần), “Café chứng” (8h20 sáng từ thứ 2 đến thứ 6), "Gõ cửa tháng mới" (thứ 5 đầu tiên hàng tháng), "Đóng bảng cuối tuần" (20h tối thứ 7 hàng tuần) trên fanpage và kênh Youtube Chứng khoán SSI luôn thu hút được đông đảo các NĐT và được đánh giá là dễ tiếp cận, thông tin phân tích sâu, mang tới nhiều khuyến nghị, là điểm tựa đáng tin cậy của nhiều "chứng sĩ".
|
FILI
|