Bối rối lo hút vốn FDI trước 'giờ G' áp thuế tối thiểu toàn cầu
Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng khiến ưu đãi thuế giữa các quốc gia không còn khác biệt, việc duy trì cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi chiến lược mới. Các quốc gia khác rốt ráo chuẩn bị ưu đãi mới để hút vốn, Việt Nam cũng cần hành động để không bị bỏ lại phía sau.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đang xem thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dự kiến, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ đầu năm 2024. Đây được cho là bước đi cần thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, ở góc độ thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, nếu áp thuế mức 15% mà không có ưu đãi, giải pháp hỗ trợ sẽ xung đột với các quy định hiện nay của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khả năng mở rộng dự án hiện hữu hay thu hút dòng vốn ngoại của Việt Nam sẽ bị tác động, niềm tin nhà đầu tư giảm sút.
Việt Nam sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu.
|
Bộ KH&ĐT đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhóm doanh nghiệp FDI chất lượng cao, quy mô lớn. Nội dung được nêu tại dự thảo nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Cụ thể, các khoản hỗ trợ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước. Đối tượng áp dụng hỗ trợ là doanh nghiệp công nghệ cao, có dự án ứng dụng công nghệ cao, quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng, hoặc doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Bộ này đồng thời đưa ra 2 giải pháp cho mức hỗ trợ đầu tư, gồm hỗ trợ tổng mức đầu tư và hỗ trợ về doanh thu. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, 2 giải pháp đều có nhược điểm không hỗ trợ được cho việc kiểm soát ngân sách. Việc này còn có thể hạn chế thu hút đầu tư hoặc không hỗ trợ đúng đối tượng cần khuyến khích, làm giảm hiệu quả chính sách thu hút đầu tư. Do đó, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án, ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức độ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ trong Nghị quyết đang xây dựng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, và để phù hợp với Việt Nam, chuyên gia cho rằng, giải pháp về thuế tối thiểu toàn cầu nên là một gói pháp lý chính sách, sớm luật hoá. Bộ Tài chính ước tính, 112 tập đoàn nước ngoài có thể phải nộp bổ sung thuế, giúp ngân sách thu thêm hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2024, năm đầu tiên Việt Nam áp loại thuế này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, như Bộ Tài chính tính toán, số lượng doanh nghiệp bị tác động bởi sắc thuế này không nhiều. Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt về thuế tối thiểu toàn cầu, thì nên có đàm phán, lắng nghe vấn đề của từng doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp đóng đủ 15% thuế, phần thu thêm cần được đảm bảo chỉ sử dụng cho 2 mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng và cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Bộ Tài chính không được phân phối cho việc khác”, ông Toàn nhấn mạnh.
Việt Linh
Tiền phong
|