Thứ Ba, 07/11/2023 13:27

Bộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ đấu giá quyền thu phí các dự án giao thông

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Sẽ đấu giá quyền thu phí các dự án giao thông

Trả lời đại biểu Phạm Thúy Chinh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhắc lại việc thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông thời gian qua chưa hiệu quả. Toàn quốc có 5.2 triệu ôtô, phân bố chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM (chiếm 50%), nên việc thu hút nhà đầu tư làm dự án PPP gặp khó.

Giai đoạn 2016, Việt Nam có 70 dự án giao thông PPP nhưng hiện nay rất nhiều dự án có vướng mắc chưa tháo gỡ được, làm ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp. Nhiều dự án đến thời điểm được tăng phí nhưng cũng chưa được tăng vì liên quan đến điều hành giá và điều hành chỉ số giá tiêu dùng CPI. Có những dự án chưa được hoàn vốn.

"Đằng sau các doanh nghiệp là ngân hàng, khi các ngân hàng thấy dự án có rủi ro thì rất khó để họ tham gia, như vậy thì doanh nghiệp không thể thực hiện được", Bộ trưởng Thắng nói.

Đồng tình với đại biểu Phạm Thúy Chinh rằng việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP không phải là yếu tố quyết định, ông Thắng dẫn một số nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước, có dự án Nhà nước tham gia nhiều nhưng hiệu quả không tốt, hoặc dự án có khả năng thu hồi vốn cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%.

"Chúng ta cần chủ động thay đổi tư duy khi làm hạ tầng giao thông. Bộ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông. Chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí", ông Thắng cho hay.

'Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên tùy theo dự án'

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc tranh luận về vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Ông nói, Bộ trưởng Thắng trả lời là các nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước mà tùy theo tính chất dự án, còn ở Việt Nam, Nhà nước tham gia tối đa 70%. "Tôi nghĩ rằng cần căn cứ vào tính chất từng dự án, trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước bao nhiêu thì phù hợp. Như vùng khó khăn, xa xôi thì vốn Nhà nước cần tham gia nhiều", ông Lộc nói.

Ông đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật PPP để phù hợp thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà y tế, giáo dục cũng đang bế tắc. "Với dự án PPP trong một số lĩnh vực thì có thể chỉ 10 tỷ, 20 tỷ đồng cũng là phù hợp, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục", ông Lộc nêu quan điểm.

Đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án BOT

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Quang Huân tranh luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về giải pháp cho 8 dự án BOT thua lỗ là sẽ giảm lợi nhuận chủ đầu tư, đàm phán giảm lợi nhuận vốn của ngân hàng. Ông cho rằng đây sẽ là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, nếu giảm lợi nhuận thì họ có đứng vững được hay không. Còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào, liệu có ảnh hưởng niềm tin của họ hay không?. "Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này", ông nói.

Ông Huân đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ để cơ cấu, hỗ trợ dự án phải dừng kinh doanh sớm. Nếu không hỗ trợ được một lần, một năm thì có thể chia làm nhiều năm, nhiều lần nhưng cần công bố công khai, "hơn là im lặng vì sẽ làm hoài nghi tính hiệu quả hiệu lực Nghị quyết Quốc hội".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói 8 dự án BOT đang được Bộ làm việc sát sao với nhà đầu tư, ngân hàng "trên cơ sở đàm phán bởi đây là hợp đồng ký giữa hai bên", nguyên tắc là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các cơ quan đang nghiên cứu để nhà đầu tư thu hồi được vốn.

"Không thể ấn định rằng nhà đầu tư không có lãi hay ngân hàng phải miễn lãi toàn bộ", ông Thắng nói và đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án, còn 3 dự án được hỗ trợ dưới 50% theo quy định pháp luật.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Năm dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ.

Ba dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà và BOT hầm Đèo Cả.

Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10,340 tỷ đồng.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Khẩn trương kiện toàn ban lãnh đạo EVN trước ngày 15/11 (07/11/2023)

>   Xe buýt TP HCM: Khó khăn vây bủa (07/11/2023)

>   Bộ Công thương nói gì về cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời (06/11/2023)

>   EVN: Còn 4 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ đàm phán giá (06/11/2023)

>   Kế hoạch lớn của ngành cao su (06/11/2023)

>   Lý do 27 tỉnh, thành xin trả lại hơn 5.500 tỷ đồng vốn vay (05/11/2023)

>   Khởi tố 5 cán bộ Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương (04/11/2023)

>   Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Không để thiếu điện (04/11/2023)

>   Đã chuyển hồ sơ thuế của Công ty Thành Bưởi sang cơ quan Công an để điều tra (04/11/2023)

>   Bộ Tài chính: Giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng chỉ đạt 52% kế hoạch năm (03/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật