Tham vọng của SBT: Từ trọng tâm về nông nghiệp đến chuỗi giá trị F&B toàn cầu, mục tiêu 60,000 tỷ doanh thu năm 2030
Tham gia chuỗi giá trị F&B toàn cầu, mở khóa các thị trường tiềm năng và doanh thu 60,000 tỷ đồng năm 2030 là những mục tiêu tham vọng được Phó Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2022-2023 của SBT.
ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2022-2023 của TT AgriS diễn ra vào chiều 26/10 tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thế Mạnh
|
Mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, mục tiêu doanh thu 60,000 tỷ
Ban lãnh đạo CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) đánh giá niên độ 2022-2023, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố tiêu cực, song Công ty đã giữ vững thị phần, linh động trong công tác điều hành để thích nghi và phát triển trước bối cảnh thị trường đầy phức tạp.
Bước sang niên độ 2023-2024, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS bà Huỳnh Bích Ngọc cho biết, trước tình hình nguồn cung đường toàn cầu được dự đoán sẽ thiếu hụt trong niên độ 2023-2024, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi hiện tượng El Nino.
Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội và cả thách thức cho TTC AgriS. Mục tiêu và định hướng chung của Công ty cho niên độ 2023-2024 sẽ xoay quanh nhiệm vụ trọng tâm về giải pháp - dịch vụ - công nghệ - bền vững.
“Chúng tôi luôn hướng đến định hướng phát triển bền vững, do đó Công ty luôn chú trọng phát triển thêm các sản phẩm mang lại hiệu quả cao”, bà Ngọc nói. Mới đây, TTC AgriS đã hoàn tất nhà xưởng sản xuất nấm cũng như gia tăng các sản phẩm từ nước mía và dừa... hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm sạch tới cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ban điều hành phiên thảo luận Đại hội. Ảnh: Thế Mạnh
|
Đối với các chỉ tiêu tài chính, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2023-2024 khá thận trọng với mục tiêu doanh thu hợp nhất 20,622 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện niên độ trước; nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến 850 tỷ đồng, tăng 18%.
Kết quả kinh doanh các niên độ trước và kế hoạch niên độ 2023-2024 của SBT
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Theo Tổng Giám đốc TTC AgriS ông Nguyễn Thanh Ngữ, trước bối cảnh thị trường có nhiều biến động hiện nay thì khó khăn và thách thức là khó tránh, song Công ty có cơ sở hoàn thành mục tiêu đề ra như TTC AgriS là công ty dẫn dắt đầu ngành, có nền tảng nội lực, mạnh về đổi mới và góc thương mại bên cạnh trọng tâm về nông nghiệp...
“Tôi tin cơ hội sẽ cho chúng ta nhiều hơn là thách thức, đối với kế hoạch niên độ 2023-2024 tuy có sụt giảm nhẹ về sản lượng, doanh số nhưng tăng trưởng về lợi nhuận và vẫn giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh”, ông Ngữ nói.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Ngữ báo cáo trước đại hội. Ảnh: Thế Mạnh
|
Về chủ trương định hướng chiến lược đến 2025 và tầm nhìn 2030, Phó Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My cho biết, TTC AgriS sẽ tiếp tục bám sát định hướng về ứng dụng mô hình chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn với tham vọng trở thành nhà cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm và đồ uống (F&B) toàn cầu, tiên phong đón đầu nhu cầu khách hàng để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ xuyên suốt.
“Theo đó, thành công mở khóa các thị trường tiềm năng và đạt doanh thu 60,000 tỷ đồng vào năm 2023”, bà My khẳng định.
Cơ sở nào để TTC AgriS đưa ra giá 12,000 đồng/cp cho đợt chào bán hơn 148 triệu cp?
Tại Đại hội, một số cổ đông thắc mắc giá cổ phiếu SBT hiện dao động trên thị trường chỉ quanh 13,000 - 14,000 đồng/cp nhưng TTC AgriS quyết định phát hành hơn 148.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 12,000 đồng/cp.
Bà Đặng Huỳnh Ức My cho biết, khi đưa mức giá 12,000 đồng/cp chào bán cho cổ đông chiến lược, HĐQT đã tham khảo từ các đơn vị tư vấn chiến lược, đơn vị thẩm định về tài chính và có sự tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng về giá trị thực của Công ty và tính toán tại thời điểm giá cổ phiếu SBT giao dịch trên thị trường ở mức 16,000 - 17,000 đồng/cp.
Phó Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thế Mạnh
|
TTC AgriS hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dù thị trường quốc tế lạm phát cao khiến tiêu dùng giảm, song với lương thực, thực phẩm thì không thể thiếu trong cuộc sống của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Công ty chấp nhận chia sẻ và ưu đãi với cổ đông mới đưa ra giá 12,000 đồng/cp.
Phương án phát hành hơn 148.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (chiếm 20% số cổ phần đang lưu hành) với giá chào bán dự kiến 12,000 đồng/cp đã được cổ đông SBT thông qua trong đợt xin ý kiến cổ đông bằng văn bản trước ngày 13/10/2023.
Nếu thành công, tổng số tiền huy động hơn 1,777 tỷ đồng sẽ được TTC AgriS dùng toàn bộ để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Vốn điều lệ cũng sẽ được nâng lên từ 7,405 tỷ đồng lên hơn 8,886 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, thời gian dự kiến thực hiện trước ngày 31/12/2024, ngay sau khi UBCKNN chấp thuận.
|
Phát hành hơn 37 triệu cp ESOP, sáp nhập một công ty con
Tại cuộc họp, cổ đông TTC AgriS đã thống nhất phương án chia cổ tức niên độ 2022-2023 tỷ lệ 4% bằng tiền và/hoặc bằng cổ phiếu, tương ứng tổng chi 296 tỷ đồng. Bước sang niên độ 2023-2024, tỷ lệ dự kiến từ 5 - 7%/mệnh giá.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ Công ty cũng thông qua phương án phát hành hơn 37 triệu cp ESOP (tương ứng 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) cho các thành viên HĐQT, ban Tổng giám đốc, nhân viên chủ chốt. Giá phát hành là 10,000 đồng/cp. Thời gian phát hành trước 30/06/2024. Số vốn thu được sẽ dùng bổ sung hoạt động kinh doanh của Công ty.
Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa. Công ty bị sáp nhập có vốn điều lệ hơn 1,116 tỷ đồng, do TTC AgriS nắm 100% vốn điều lệ. Địa chỉ trụ sở công ty con này trùng với địa chỉ của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) tại quận Tân Bình, TPHCM.
Theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước đó, cổ đông SBT đã thông qua chủ trương chiến lược cổ phần hóa và niêm yết/tái niêm yết công ty con/công ty liên kết. Công ty cho biết kế hoạch này nhằm đầy mạnh định vị thương hiệu TTC AgriS trên phạm vi toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước,
Tính tới ngày 30/06/2023, SBT có 18 công ty con trực tiếp, 12 công ty con gián tiếp và 4 công ty liên kết. Các đơn vị này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng mía, sản xuất và kinh doanh đường, ngoài ra sản xuất điện…
|
Ngoài ra, ĐHĐCĐ TTC AgriS cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT độc lập đối với ông Hoàng Mạnh Tiến, đồng thời bầu ông Đào Duy Thi đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT.
Ông Đào Duy Thi được giới thiệu có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, gia nhập TTC AgriS từ năm 2018.
Sau quyết định trên, HĐQT TTC AgriS gồm 6 thành viên là Chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc; Phó Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My; hai Thành viên HĐQT độc lập là bà Võ Thúy Anh và ông Trần Trọng Gia Vinh; ba Thành viên HĐQT là ông Võ Tòng Xuân, ông Trần Tấn Việt và ông Đào Duy Thi mới được bổ nhiệm.
Ban HĐQT TTC AgriS có thêm thành viên là ông Đào Duy Thi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Thế Mạnh
|
Thế Mạnh
FILI
|