Shop online "phù phép" đơn ảo, khách dễ mắc lừa "Buff đơn" (đặt đơn, tăng lượt bán và đánh giá ảo cho shop online) không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, ảnh hưởng đến người kinh doanh chân thật mà còn tiềm ẩn rủi ro cho chính người tham gia đặt đơn
Nhiều group (nhóm) trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... nhộn nhịp rao tuyển cộng tác viên đặt hộ đơn hàng ở sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada... với thù lao 5.000 - 15.000 đồng/đơn. Các bài đăng này thu hút rất nhiều tài khoản vào comment (bình luận), bày tỏ muốn hợp tác. Đặt đơn ảo, nhận tiền thật Có 2 dạng buff đơn là đặt đơn đánh giá và đặt đơn sale (giảm giá). Công việc của người đặt đơn đánh giá gồm đặt đơn hàng theo yêu cầu của shop, đánh giá 5 sao và comment tích cực sau khi hoàn tất đơn hàng. Còn với đặt đơn sale, người được thuê đặt đơn sẽ được shop chia chênh lệch từ mã giảm giá của sàn vào các ngày sale. Người mua hàng trên sàn thương mại điện tử không nên tin tưởng tuyệt đối vào thông tin tham khảo của gian hàng |
Trong các group, nhiều người tham gia đặt đơn hộ hướng dẫn cặn kẽ cách "lách" quy định của sàn TMĐT để "cày" đơn hàng. "Trung bình, tôi đặt thành công hơn 20 đơn hàng trong khoảng 2-3 giờ, kiếm được khoảng 300.000 - 400.000 đồng" - chị Thu Hà (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết. Theo giám đốc kinh doanh của một sàn TMĐT, hình thức buff đơn rộ lên từ năm 2017, chủ yếu nhằm giúp shop tăng độ tin cậy, tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của người dùng... như một cách thay thế cho chạy quảng cáo đơn thuần. Đến giai đoạn các sàn TMĐT khuyến mãi rầm rộ vài năm trước, hình thức buff đơn tăng mạnh, người đặt và shop chia nhau khuyến mãi. "Hình thức này ảnh hưởng đến quyền lợi của người kinh doanh chân thật vì không giành được vị trí tốt trên đề xuất tìm kiếm. Nghiêm trọng hơn, một số shop lợi dụng buff đơn để tăng độ tin cậy nhằm bán hàng dỏm, hàng giả. Mặt khác, shop sử dụng dịch vụ buff đơn cũng gặp rủi ro khi các sàn TMĐT khai thuế trên tổng thu, dẫn đến phải nộp thuế với phần doanh thu ảo" - giám đốc kinh doanh này cảnh báo. Nhiễu loạn thị trường Ông Lê Thanh Dũng, nhà sáng lập và vận hành sàn TMĐT muaexpress.com, cho rằng tình trạng buff đơn diễn ra phổ biến trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki... bởi chi phí thuê đặt đơn ảo rẻ hơn nhiều so với chi phí chạy quảng cáo, marketing. Việc này giúp các shop hưởng lợi lớn vì người mua thường tham khảo thông tin gian hàng, gồm số lượng hàng đã bán, lượng đánh giá tốt. Như vậy, nếu người bán cố tình gian dối thì người mua khó phát hiện được. Cũng theo ông Dũng, hiện nay, đa số sàn TMĐT không kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nên đây là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng kinh doanh hàng dỏm, giả, kém chất lượng tung hoành. "Các sàn TMĐT tập trung cho cuộc đua thương mại, tăng lượng người bán lẫn người mua trên sàn nên người tiêu dùng trở thành những "con nai vàng ngơ ngác", rất dễ rơi vào bẫy giá rẻ hoặc tin vào thông tin tham khảo ảo" - ông Dũng nhìn nhận. Về phía sàn TMĐT, đại diện Shopee cho biết sàn nghiêm cấm tất cả hành vi gian lận, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng hoặc tạo sự thiếu công bằng trong hoạt động mua bán, bao gồm cả tạo chỉ số ảo. "Shopee đã xây dựng quy trình kiểm soát gian lận và rà soát, kiểm tra các hoạt động đăng bán thường kỳ. Nếu bị phát hiện có hoạt động gian lận, tài khoản của người bán có thể bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên rà soát đơn hàng nghi ngờ từ người mua để xử phạt tài khoản, gỡ đơn hàng và tất cả đánh giá của tài khoản đó" - đại diện Shopee cho biết. Người đặt đơn hộ cũng gặp rủi ro Một biến tướng nguy hiểm của hình thức đặt đơn hộ là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia đặt đơn. Đã có trường hợp sau vài lần giao dịch suôn sẻ, người đặt đơn hộ được yêu cầu thanh toán đơn hàng trước rồi nhận lại tiền gốc và tiền công hoặc chiết khấu 10%-20% cho mỗi đơn hàng. Đến lúc số tiền ứng thanh toán lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, đối tượng lừa đảo giở chiêu trò để chiếm đoạt. |
Bài và ảnh: THANH NHÂN Người lao động
|