Nhựa Tiền Phong có quý tăng trưởng dương đầu tiên trong năm 2023
Sau hai quý thụt lùi về lợi nhuận, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) ghi nhận quý 3/2023 tăng trưởng ấn tượng.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2023, Nhựa Tiền Phong lãi sau thuế 148 tỷ đồng, tăng đến 77% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá nguyên liệu, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh, đã giảm trong thời gian qua. Đây được xem là kết quả ấn tượng sau khi Công ty có hai quý liên tiếp có lợi nhuận đi lùi (quý 1 giảm 21% và quý 2 giảm 28% so với cùng kỳ).
Trong quý 3, giá vốn hàng bán của NTP ở mức 910 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Còn doanh thu thuần đạt 1,301 tỷ đồng, giảm 2%. Giá vốn giảm mạnh đã đưa biên lãi gộp Công ty lên mức 30%, so với 20% cùng kỳ.
Song song đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 62% so với cùng kỳ, lên 28 tỷ đồng; còn hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết lỗ 5 tỷ đồng, lớn hơn mức lỗ trên 52 triệu đồng cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng của Nhựa Tiền Phong
Đvt: Tỷ đồng
|
Tuy nhiên, sự bứt phá lợi nhuận trong quý 3 chưa đủ đưa lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, lãi trước và sau thuế của Công ty đạt lần lượt 465 tỷ đồng và 395 tỷ đồng, cùng giảm 4% so với cùng kỳ; doanh thu thuần giảm 7% còn 3,825 tỷ đồng.
So với kế hoạch cả năm 2023, NTP thực hiện được 67% kế hoạch doanh thu (5,875 tỷ đồng) và 87% kế hoạch lãi trước thuế (535 tỷ đồng).
Đầu tư dài hạn nhiều công ty trong ngành nước
Tính tới cuối quý 3, quy mô tài sản của Nhựa Tiền Phong gần 5,177 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt trên 535 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm.
Các khoản đầu tư dài hạn của Công ty ghi nhận gần 435 tỷ đồng, tăng 2.5% so với đầu năm. Trong đó, Công ty đầu tư vào 2 công ty liên kết là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Phía Nam và CTCP Bao bì Tiền Phong với tổng giá trị vào cuối quý 3 là 330 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
Bên cạnh đó, NTP còn đầu tư vào cổ phiếu của nhiều công ty ngành nước như Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định, CTCP nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM), CTCP Cấp thoát nước tỉnh Hà Giang và CTCP Công nghệ Thiết bị Tiền Phong.
Ngoài ra, NTP còn nắm 10 tỷ đồng các trái phiếu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HOSE: CTG), đầu năm không ghi nhận.
Nguồn: BCTC NTP
|
Ở phía nguồn vốn, NTP có 2,032 tỷ đồng nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn), giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm gần 24%, xuống còn 1,299 tỷ đồng. Nguồn vốn dài hạn của Công ty chủ yếu từ vốn chủ sở hữu 3,145 tỷ đồng.
Kha Nguyễn
FILI
|