MWG, LTG, DQC, GIL và hàng loạt cổ phiếu giảm “cắm đầu” sau báo cáo quý 3 ảm đạm
Bối cảnh bi quan không hề có lợi cho thị trường chứng khoán, nhưng với một số cổ phiếu, họ còn chịu thêm đòn giáng từ kết quả kinh doanh tồi tệ.
Vào đầu phiên 31/10, hàng loạt cổ phiếu lao dốc mạnh dù thị trường chung vẫn chỉ mới lùi nhẹ. Chẳng hạn như LTG giảm gần 15%, DQC sụt gần 7%, GIL lao dốc 6%. Đáng chú ý nhất là ông lớn bán lẻ MWG cũng lao dốc hơn 5%.
Diễn biến của các cổ phiếu trong phiên 31/10
|
Cú trượt dốc được đặt trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan vì cú giảm liên hồi của thị trường và các công ty vừa công bố báo cáo tài chính đáng thất vọng.
Chẳng hạn như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 327 tỷ trong quý 3, gây choáng ngợp với những người kỳ vọng môi trường giá gạo và xuất khẩu gạo tăng cao sẽ giúp LTG hưởng lợi.
* Lộc Trời lỗ kỷ lục hơn 327 tỷ trong quý 3
Nguyên nhân đến từ sự suy giảm của hoạt động cốt lõi và chi phí tài chính cao. Trong quý 3/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh lên gần 4.5 ngàn tỷ, nhưng lãi gộp lại giảm 69% còn 152 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 18% cùng kỳ về 3%. Ngoài ra, Công ty còn phải gánh chi phí tài chính gấp 2.4 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 268 tỷ đồng, phần lớn do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái.
Diễn biến giá cổ phiếu LTG |
|
Hay ở trường hợp của CTCP Tập đoàn Điện Quang (HOSE: DQC), công ty lỗ ròng gần 12 tỷ đồng trong quý 3/2023, trong khi cùng kỳ lãi 4.5 tỷ. Theo chia sẻ từ công ty, khoản lỗ đến từ sự suy giảm về doanh thu và phần chi phí gia tăng do các chương trình khuyến mãi.
Tương tự, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) cũng gây thất vọng cho cổ đông. Trong quý 3/2023, Gilimex ghi nhận doanh thu tăng 31% lên 280 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 128 tỷ đồng.
Theo lý giải từ Công ty, quý 3/2023, tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Về hoạt động bất động sản khu công nghiệp, Gilimex đang đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư vào quý 4/2023, do đó chi phí vận hành bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh và khiến lợi nhuận suy giảm.
Gilimex từng gây chú ý khi đâm đơn kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon trong năm 2022. Sau sự vụ này, hai bên cắt đứt quan hệ làm ăn và doanh thu sụt mạnh từ mức hơn ngàn tỷ về còn khoảng 200-300 tỷ mỗi quý. Tuy kết quả kinh doanh èo uột, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GIL lại được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng từ đầu năm 2023. Trước khi quay đầu lao dốc, cổ phiếu này đã tăng hơn gấp đôi so với đầu năm.
Còn CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) cũng chưa có dấu hiệu phục hồi khi ngành bất động sản đang lao đao. Công ty tiếp tục lỗ ròng thêm 164 tỷ đồng trong quý 3/2023. Tính trong 5 quý vừa qua, SMC đã lỗ lũy kế hơn 1,200 tỷ đồng, cùng với đó là khoản nợ xấu 1,300 tỷ đồng chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được.
* Thép SMC lỗ gần 550 tỷ đồng sau 9 tháng, nợ xấu 1,300 tỷ đồng
Đây thực sự là một tình thế vô cùng đáng ngại với một doanh nghiệp hoạt động trong ngành cần xoay tiền nhanh và có vốn chủ sở hữu chưa quá lớn như SMC (ở mức 1,137 tỷ đồng vào cuối tháng 9).
Còn CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đánh rơi gần hết lợi nhuận trong quý 3/2023 khi ghi nhận lãi ròng chỉ 39 tỷ đồng. Việc phải tung ra chính sách hạ giá để kích thích tiêu dùng và thu hút khách hàng đã kéo tụt biên lợi nhuận của ông lớn ngành bán lẻ.
* MWG chỉ lãi 77 tỷ sau 9 tháng, gửi 20,000 tỷ đồng vào ngân hàng
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý 3 là nguồn thu tài chính. Trong bối cảnh khó khăn, gã khổng lồ bán lẻ tăng cường gửi tiền vào ngân hàng. Tại cuối quý 3/2023, MWG có khoản tiền gửi 20,250 tỷ đồng và khoản đầu tư khác 650 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh thu tài chính tăng 78% so với cùng kỳ, lên gần 620 tỷ đồng và góp phần giúp MWG thoát lỗ trong quý này.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Thần chú mất thiêng
Bên cạnh các lý do về thị trường chung và kết quả kinh doanh ảm đạm, một phần lý do khác đến từ việc giá cổ phiếu đã bay cao vì kỳ vọng vào sự hồi phục. Còn nhớ tại thời điểm đầu năm, thị trường vẫn hân hoan dù các công ty ghi nhận kết quả kinh doanh chưa quá tích cực, bởi lẽ trong mắt họ điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua.
Câu thần chú “giai đoạn tồi tệ nhất đã qua” là điểm tựa để các nhà đầu tư rót tiền và giúp cổ phiếu thăng hoa. Tuy nhiên, khi thực tế cho thấy điều ngược lại, giới đầu tư cũng bắt đầu “buông tay”.
Vũ Hạo
FILI
|