MWG chỉ lãi 77 tỷ sau 9 tháng, gửi 20,000 tỷ đồng vào ngân hàng
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đánh rơi gần hết lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, đánh dấu giai đoạn u ám nhất của ông lớn bán lẻ kể từ khi lên sàn.
Trong quý 3/2023, MWG ghi nhận doanh thu thuần gần 30,300 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi ròng chỉ 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh hàng quý của MWG |
|
Việc làm ăn của ông lớn ngành bán lẻ bắt đầu tệ đi kể từ cuối năm 2022 khi nền kinh tế giảm tốc và thu nhập của người dân sa sút đáng kể. Điều này khiến mảng điện thoại điện máy - vốn được xem là hàng không thiết yếu - giảm mạnh, trong khi chuỗi bách hóa dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa đóng góp về lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, MWG ra chiến dịch “giá rẻ quá” với điện thoại điện máy để thu hút khách hàng và bước vào cuộc chiến giá cả với các công ty bán lẻ điện thoại điện máy khác.
Điều này vô hình trung kéo tụt biên lợi nhuận gộp của MWG xuống 15.3% trong quý 3/2023, mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Biên lợi nhuận gộp của MWG |
|
Gửi ngân hàng hơn 20 ngàn tỷ đồng
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý 3 là nguồn thu tài chính. Trong bối cảnh khó khăn, gã khổng lồ bán lẻ tăng cường gửi tiền vào ngân hàng. Tại cuối quý 3/2023, MWG có khoản tiền gửi 20,250 tỷ đồng và khoản đầu tư khác 650 tỷ đồng.
Nhờ đó, doanh thu tài chính tăng 78% so với cùng kỳ, lên gần 620 tỷ đồng và góp phần giúp MWG thoát lỗ trong quý này. Trong khi đó, chi phí tài chính duy trì ở mức 440 tỷ đồng.
Công ty cũng cắt giảm đáng kể chi phí bán hàng xuống gần 4,300 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của MWG
Đvt: Tỷ đồng
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên MWG cho hay các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Chuỗi ngày u ám chưa chấm dứt, lãi chỉ 77 tỷ đồng sau 9 tháng
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần gần 87 ngàn tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lãi ròng chỉ 77 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Đây có lẽ là giai đoạn u ám nhất của MWG kể từ khi lên sàn và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Về cơ cấu doanh thu, chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp 48%, chuỗi Thế Giới Di Động là 23.8%, Bách Hoá Xanh chiếm 25.7%.
Theo thông tin từ Reuters, ông lớn bán lẻ này đang trong cuộc đàm phán để bán 20% vốn tại Bách Hóa Xanh, với định giá có thể lên 1.5 tỷ USD.
|
Trong bối cảnh điện thoại điện máy ảm đạm, Bách Hóa Xanh được nhìn nhận là điểm sáng của MWG với doanh thu ngày càng tăng. Trong tháng 9/2023, doanh số trung bình mỗi cửa hàng đạt 1.65 tỷ đồng, tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng từ khi thay đổi cách sắp xếp cửa hàng. MWG kỳ vọng doanh thu mỗi cửa hàng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10/2023.
Vững chắc về tài chính
Trên bảng cân đối kế toán, MWG thể hiện mình là một ông lớn vững chắc về tài chính.
Tại cuối tháng 9/2023, MWG ghi nhận gần 50 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tăng hơn 5 ngàn tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là gần 23 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh 8 ngàn tỷ đồng so với đầu năm.
Hàng tồn kho ở mức 22.9 ngàn tỷ đồng tại cuối quý 3/2023, giảm khoảng gần 3 ngàn tỷ so với đầu năm.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn gần 29.5 ngàn tỷ đồng, tăng 3.5 ngàn tỷ so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn hơn 17 ngàn tỷ đồng, tăng 6.3 ngàn tỷ so với đầu năm.
Vũ Hạo
FILI
|