Mỗi chiếc Boeing thương mại chứa ít nhất 1 thành phần sản xuất ở Việt Nam Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ vừa tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phát triển sâu sắc hơn trụ cột kinh tế thương mại với Hoa Kỳ”. Socola hay trái cây của Việt Nam xuất hiện trong siêu thị Mỹ Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, gần đây Việt Nam trở thành một trong những thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Mỹ. “Tôi rất tự hào khi có những công ty như Vinfast, Trung Nguyên, hay các sản phẩm socola, trái cây của Việt Nam xuất hiện trong siêu thị Mỹ. Đây chỉ mới là khởi đầu những gì chúng ta sẽ thấy trong việc tăng cường thương mại, đầu tư giữa hai nước”-ông Adam nói. Theo ông Adam, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và quan tâm đến Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Chẳng hạn như ô tô, mỹ phẩm, giáo dục…hay máy bay được sản xuất tại Việt Nam. Có nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam như Apple ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tương tự, mỗi chiếc máy bay thương mại mà Boeing bán ra trên thế giới đều chứa ít nhất một thành phần được sản xuất tại Việt Nam. “ Xu hướng này dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Tôi tin rằng Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam”-ông Adam nhấn mạnh. Tập đoàn Boeing giới thiệu tại Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế do Bộ Công thương tổ chức tháng 9. ẢNH: TÚ UYÊN | Ngành bán dẫn Việt Nam gặp thách thức khi thiếu kỹ sư vi mạch Theo ông Adam, nhiều DN Mỹ quan tâm đầu tư vào Việt Nam nhưng một số quy định pháp luật là những rào cản lớn, đơn cử là vấn đề thuế. Hiệp hội không mong muốn điều này và tin rằng nếu các bộ ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ mang lại kết quả tích cực. "Điều mà các DN cần thiết lúc này chính là hệ thống pháp luật cởi mở. Đồng thời nếu có hệ thống quảng bá hình ảnh Việt Nam tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một điều tuyệt vời...”-ông Adam nói. Cùng nhìn nhận trên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean cho biết, cơ hội hợp tác DN hai quốc gia rất lớn nhưng đang gặp thách thức từ góc độ khung khổ pháp lý của Việt Nam. Thời gian tới, để mối quan hệ hợp tác của DN hai nước được thuận lợi sôi động, ông Thành gợi ý ở từng lĩnh vực cụ thể. Ông Thành cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ đang đẩy mạnh triển khai chiến lược Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của các DN Mỹ về những quốc gia, vùng lãnh thổ thân thiện với Hoa Kỳ) sẽ có thêm nguồn lực bổ sung để hỗ trợ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam tham gia vào chiến lược này. “Nguồn lực cho chính sách này đang được Hoa Kỳ bổ sung. Một khoản hỗ trợ không nhỏ 500 triệu USD từ Đạo Luật Chip của Hoa Kỳ được giao cho cơ quan ngoại giao quốc gia này làm việc với các đối tác như Việt Nam để hỗ trợ nâng cao năng lực, giúp DN Hoa Kỳ tổ chức chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn”-ông Thành nói. Theo ông Thành, Việt Nam đã có chương trình rõ rệt để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sản xuất chip. Việt Nam tuy có một số thuận lợi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhưng vẫn còn thách thức lớn. Đầu tiên là nguồn nhân lực, lượng kỹ sư vi mạch của Việt Nam còn khiêm tốn. Từ năm 2006 khi Intel đầu tư nhà máy sản xuất chip cho đến nay Việt Nam chỉ có hơn 5.000 kỹ sư vi mạch. Nếu sắp tới Việt Nam đón thêm những khoản đầu tư trong ngành bán dẫn với con số tỉ USD thì nhu cầu kỹ sư vi mạch rất lớn. Thông tin từ cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy nhu cầu gấp 5 lần so với khả năng đào tạo của Việt Nam. Trong vòng vài năm nữa Việt Nam cần có 25.000 kỹ sư. “Năm 2006 khi Intel đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam, dự kiến tuyển 2.000 kỹ sư nhưng chỉ tuyển được 400. Tuy nhiên Intel không bỏ dự án này mà vận động đối tác liên quan và cuối cùng tuyển được 2.000 kỹ sư. Do đó DN Mỹ khác cũng sẽ làm được như vậy. Sinh viên thực hành xong, DN Mỹ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ tạo công ăn việc làm”-ông Thành nói. Ở lĩnh vực năng lượng, DN Hoa Kỳ đang hào hứng với những diễn biến mới như khi vừa qua Bộ Công thương đề xuất cơ chế mua bán điện trực tiếp… “Nguồn tiền với hàng chục tỉ USD sẵn sàng chảy vào lĩnh vực năng lượng và điện của Việt Nam. Vấn đề còn lại là Việt Nam nhanh chóng thông qua các cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư để những khoản đầu tư này sẵn sàng triển khai. Hơn nữa, Việt Nam có một số khoáng chất quan trọng trong công nghiệp bán dẫn nhưng hiện vẫn chưa khai thác nhiều. DN Mỹ mong có những hợp tác với DN Việt”-ông Thành nói | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|