Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Giao dịch trái chiều
Thống kê giao dịch nội bộ tuần từ ngày 25-29/09/2023 cho thấy nhiều lãnh đạo và người thân đã thoái vốn thành công. Trái ngược ở chiều đăng ký giao dịch, có dấu hiệu “bắt đáy” cổ phiếu khi bên mua chiếm phần lớn.
Xáo trộn cổ đông lớn tại CEN
Ông Lê Văn Bình - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc CTCP CENCON Việt Nam (UPCoM: CEN) đã thoái toàn bộ hơn 2.1 triệu cp từ ngày 08-21/09/2023 và không còn là cổ đông tại CEN.
Chiều ngược lại, ông Phạm Xuân Thủy mua vào hơn 886 ngàn cp CEN, qua đó nâng sở hữu từ 218 ngàn cp (1%) lên hơn 1.1 triệu cp (5.09%) và trở thành cổ đông lớn của CEN từ ngày 21/09.
Chiếu theo giá đóng cửa ngày 21/09 của cổ phiếu CEN là 9,600 đồng/cp (tăng 182% so với đầu năm 2023) ước tính ông Bình thu về gần 21 tỷ đồng. Ngược lại, ông Thủy phải chi 8.5 tỷ đồng cho thương vụ.
Cổ đông lớn BMF ồ ạt tháo chạy
Trong bối cảnh giá cổ phiếu điều chỉnh giảm trong vài phiên gần đây. Các cổ đông lớn của CTCP Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai (UPCoM: BMF) ồ ạt tháo chạy.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Chi đã bán toàn bộ hơn 923 ngàn cp (tỷ lệ 22.19%) BMF. Sau giao dịch ông Chi không còn là cổ đông tại đây từ ngày 21/09/2023. Cùng ngày, ông Nguyễn Thế Hùng cũng đã thoái toàn bộ 600 ngàn cp (tỷ lệ 14.42%) và không còn là cổ đông tại BMF.
Phiên 21/09, thị trường chứng khoán ghi nhận hơn 1.5 triệu cp BMF được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị gần 83 tỷ đồng, đúng bằng tổng số lượng mà ông Chi và ông Hùng bán ra, tương ứng với 54,328 đồng/cp. Nhiều khả năng 2 cá nhân này đã thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Nếu như vậy, ước tính ông Chi thu về hơn 50 tỷ đồng, còn ông Hùng gần 33 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Mai Phương - Trưởng Ban kiểm soát cũng đăng ký bán 600 ngàn cp với mục đích cá nhân theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian từ 26/09 – 25/10/2023. Nếu giao dịch thành công, bà Phương sẽ không còn nắm cổ phiếu nào tại BMF.
Hai lãnh đạo chủ chốt của VTZ đồng loạt đăng ký bán cổ phần
Hai lãnh đạo chủ chốt của CTCP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành (HNX: VTZ) là Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc vừa đăng ký bán tổng cộng gần 7.1 triệu cp nhằm mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT VTZ đăng ký bán gần 2.87 triệu cp, dự kiến giảm sở hữu tại Công ty từ 24.8% (10.67 triệu cp) xuống còn 18.14% (7.8 triệu cp) nếu bán thành công.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Quân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VTZ đăng ký bán gần 4.23 triệu cp. Nếu thực hiện giao dịch thành công, tỷ sở hữu của vị lãnh đạo này tại Công ty sẽ giảm từ 24.78% (10.66 triệu cp) xuống còn 14.95% (6.43 triệu cp).
Cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công ty đều đăng ký bán cổ phần trong cùng thời gian từ 31/08-26/09/2023.
Con trai Chủ tịch VPBank đăng ký mua 70 triệu cp
Ông Ngô Chí Trung Johnny - con trai ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank - vừa đăng ký mua 70 triệu cp VPB, với mục đích đầu tư.
Xét theo thị giá VPB ở mức 21,700 đồng/cp vào cuối phiên 29/09, ông Trung cần chi khoảng 1,500 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đăng ký trên.
Giao dịch dự kiến diễn ra trong thời gian từ 02/10-02/11, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Hiện, ông Ngô Chí Trung Johnny chưa sở hữu cổ phiếu VPB nào. Nếu giao dịch thành công, con trai Chủ tịch VPBank sẽ sở hữu 1.04% vốn tại VPBank.
Hiện tại, gia đình Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu hơn 1 tỷ cp VPB, tương đương 15.6% vốn. Trong đó, 3 người nắm giữ nhiều nhất là ông Ngô Chí Dũng (328.6 triệu cp), bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng, nắm 326.8 triệu cp) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng, nắm 325.9 triệu cp).
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 25-29/09/2023
|
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 25-29/09/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh Tú
FILI
|